Điệu dân ca lay động lòng người

04:01, 05/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ xưa, những hình ảnh thân thương, đẹp đẽ của làng quê Quảng Ngãi đã hiện lên trong những giai điệu nhẹ nhàng của hát hố và bài chòi qua lời ru da diết của người mẹ. Theo dòng chảy cuộc sống, những hình ảnh ấy, lời ca ấy mờ dần. Nhưng loại hình âm nhạc ấy không mất hẳn mà vẫn lặng lẽ bên lề những tất bật, ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người.

Giữ gìn bản sắc truyền thống

Chỉ trong 3 tháng hè ngắn ngủi, em Nguyễn Thị Ngọc Trinh - học sinh lớp 9, Trường THCS Bình Dương (Bình Sơn) cùng 19 bạn lần đầu tiên được tiếp cận với thể loại âm nhạc dân gian thật lý thú thuộc dự án sân khấu học đường. Trinh được những nghệ sĩ dạy cho cách luyến láy âm điệu theo thể loại hát lý, hát hố và bài chòi. Trinh chia sẻ: Từ trước đến giờ, em không hề biết quê mình lại có những bài hát hay và dễ nhớ đến vậy. Em cùng các bạn đã hát thuộc đến 8 điệu lý và nhiều trích đoạn nổi tiếng như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Chung một nỗi đau, Lâm Sanh- Xuân Nương và tiểu phẩm ông Xã bà Đội.

 

 Dự án sân khấu học đường đã giúp các em học sinh hiểu và yêu nghệ thuật dân ca.
Dự án sân khấu học đường đã giúp các em học sinh hiểu và yêu nghệ thuật dân ca.


Không riêng em Trinh và các học sinh Trường THCS Bình Dương, 40 em khác thuộc Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) và THCS Phổ Thạnh (Đức Phổ) cũng đã có một thời gian đáng nhớ cùng dự án sân khấu học đường. Đến khi kết thúc khóa học âm nhạc dân gian, ai cũng tiếc nuối và mong muốn được học tiếp để hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Cùng các em đi từ những ngày ê a tập hát đến khi diễn thật sành sỏi trên sân khấu, cô Trần Thị Mỹ Lệ vui mừng kể: Chỉ trong 3 tháng học ngắn ngủi, các em đã rất chăm chỉ tập luyện. Có nhiều điệu lý, nhiều trích đoạn, chỉ sau vài ngày luyện tập, các em có thể diễn hay hơn cả người lớn. Với thể loại nghệ thuật dân ca này, mọi người cứ tưởng rằng nó thật xa lạ, nhưng thật ra lại rất thân quen từ khi mới lọt lòng mẹ. Do đó, chỉ cần được tiếp cận trở lại, bài chòi và hát hố lại được thế hệ trẻ đón nhận với một tình yêu nồng nàn.
 

Ông Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Dự án sân khấu học đường và sự ra đời của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố là một bước tiến lớn, là cách rất mới để đưa thể loại âm nhạc này quay trở lại. Đây cũng là tiền đề cho Quảng Ngãi có dịp đăng cai tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Dân ca trong thời gian gần nhất”.

Lan tỏa niềm đam mê

Trước thành công của dự án sân khấu học đường, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố ra đời vào giữa tháng 9.2013, giúp cho thể loại âm nhạc này có cơ hội được lan tỏa đến khắp ngóc ngách của cuộc sống hiện đại. Trung tâm ra đời như xóa đi cơn khát của những người yêu nghệ thuật dân ca. Họ tìm đến để gửi gắm những lời ca có nhân, có nhụy, thắm đượm tình người và thỏa sức sáng tạo cùng với thể loại âm nhạc truyền thống. Ông Trịnh Công Sơn- Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm ra đời với vai trò lưu giữ lại toàn bộ các làn điệu bài chòi và hát hố có trong dân gian. Cùng với đó, sẽ tổ chức truyền tải, lan tỏa nghệ thuật dân ca đến khắp nơi. Bước đầu, Trung tâm đã tập hợp được hơn 20 người yêu thể loại bài chòi và hát hố đến sinh hoạt, giao lưu hằng tuần. Bên cạnh đó, còn thành lập đội diễn chuyên nghiệp đi công diễn ở khắp nơi, để lưu truyền loại hình nghệ thuật này.

Trung tâm lên kế hoạch huy động các tầng lớp thanh niên, phụ nữ thành lập các câu lạc bộ hát nghệ thuật dân ca ở hầu hết các phường, xã, tạo nên một sân chơi lành mạnh và bổ ích. Niềm đam mê thứ nghệ thuật lay động lòng người đang được lan tỏa mạnh. Chị Nguyễn Thị Linh- ngụ phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cho hay: “Từ nhỏ tôi đã được mẹ dạy cho những điệu lý, điệu hò rất ngọt. Tuổi thơ tôi gắn liền với những làn điệu ấy. Nhưng rồi đến khi trưởng thành, cuộc sống mưu sinh làm tôi quên đi góc kỷ niệm đẹp ấy. Biết được sự ra đời Trung tâm này, trong tôi lại trỗi dậy niềm đam mê hát dân ca. Tại đây, được hát, được chia sẻ với mọi người cùng đam mê, tôi như trở lại quá khứ với hình ảnh thân thương về người mẹ hiền”.

Trầm tình và dịu ngọt, những làn điệu bài chòi và hát hố đã thực sự trở lại, hòa quyện với tâm hồn những người đương đại. Ông Trịnh Công Sơn nhận định: Đó là cách khiến bộ môn nghệ thuật này lan tỏa mạnh. Nhưng đưa dân ca vào học đường qua dự án sân khấu học đường vẫn là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và lâu dài nhất để các em và thế hệ mai sau cảm nhận được sự ngọt ngào trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian.


Bài và ảnh: Thanh Phương

 


.