Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Thủ đô kháng chiến

08:12, 09/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Hồ (19.5.1890 - 19.5.2005), Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người dân địa phương gọi bằng cái tên thân mật Đền thờ Bác Hồ là một công trình kiến trúc nghệ thuật, là nơi để mỗi người con đất Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc tìm về…

TIN LIÊN QUAN

Nhà tưởng niệm Bác nằm trên quả đồi cao hình mu rùa ở đỉnh đèo De, tựa vào dãy núi Hồng, nhìn ra cánh đồng Tỉn Keo, Nà Lọm. Đây là Đền thờ Bác Hồ lớn nhất ở Việt Nam, được xây dựng tại vị trí “tả thanh long, hữu bạch hổ” của Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, trung tâm “Thủ đô gió ngàn” chiến khu Việt Bắc năm xưa. Toàn bộ các hạng mục có tổng diện tích 16.000m2 gồm tứ trụ, tam quan, nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ.

 

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên.
Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên.


Từ cổng tứ trụ lên tới nhà tam quan là 115 bậc - ghi nhớ công trình xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm 115 ngày sinh của Bác. Từ nhà tam quan lên nhà tưởng niệm là 79 bậc - ghi nhớ 79 mùa xuân của Bác, gồm hai tầng, kiến trúc theo lối đền chùa truyền thống, mái lợp ngói đỏ, hệ thống khuôn viên đường bao quanh như một đóa sen nở, những cánh sen là 79 cây vạn tuế. Những bờ dâm bụt ngời hoa đỏ lấy giống từ bờ hoa dâm bụt cổ thụ Bác trồng trên đồi Tỉn Keo cách đây hơn 65 năm. Hai bên tả, hữu tam quan, bao quanh Nhà tưởng niệm Bác Hồ là rừng cây xanh do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng.

Trên đất nước ta có một số Đền thờ Bác Hồ do nhân dân các địa phương xây dựng, riêng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Định Hóa (Thái Nguyên) lại được Bộ Chính trị giao cho thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên hợp tác xây dựng nên mang tầm vóc quốc gia, thể hiện ý nguyện của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Định Hóa là nơi Người chọn làm nơi ở, nơi làm việc bởi ở đó không chỉ có phong cảnh hữu tình: “Trên có núi/ Dưới có sông/ Có đất ta trồng/ Có bãi ta vui”, mà Định Hóa còn là địa điểm thuận tiện cho việc “Tiện đường sang bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương”. Nhưng trên hết Bác chọn Định Hóa là bởi ở đó Bác được sống một cuộc sống giản dị và gần những người đồng bào, đồng chí mà Người hết lòng yêu thương, chăm lo: “Nhà thoáng ráo, kín mái/ Gần dân không gần đường”.

Với vị trí đắc địa “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, trong suốt quãng thời gian từ 1947 đến năm 1954, ATK Định Hóa trở thành bộ não, là thủ đô trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Việt Nam.

Những địa danh như: Tỉn Keo (xã Phú Đình) - nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ 1947-1948, cũng là nơi Hồ Chủ tịch cùng Bộ Chính trị quyết định chiến dịch Đông Xuân 1953-1954; đồi Nà Đình (xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình)- nơi Bác Hồ ở và làm việc cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp; đồi Khau Tý (xã Điềm Mạc) - nơi ở đầu tiên của Bác Hồ khi đặt chân về ATK Định Hóa ngày 20.5.1947; Phụng Hiển (xã Điềm Mặc) - nơi làm việc của đồng chí Trường Chinh; xóm Bảo Biên (xã Bảo Linh) - nơi cơ quan Bộ Quốc phòng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng từ 1949-1954; đình làng Quặng (xã Định Biên) - tại đây ngày 15.5.1945 diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và đội Cứu Quốc quân thành đội Việt Nam Giải phóng quân; Nhà tù Chợ Chu Định Hoá được xây dựng năm 1916 để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản Việt Nam; địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá. Tại đây ngày 21.4.1950 đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất Hội những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay)... đã trở thành một bộ phận quan trọng, góp phần tạo nên quần thể di tích chiến khu Việt Bắc.

ATK Định Hóa là thủ đô kháng chiến có một không hai trên thế giới, gắn liền với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc mà cách đây hơn 65 năm, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã “Vạch đường đi từng phút, từng giờ” để làm nên những chiến thắng vang dội, có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp giành độc lập tự do cho dân tộc. Đặc biệt, tại xã Phú Đình, nơi Bác cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh ra nhiều quyết định quan trọng liên quan vận mệnh đất nước.

Trong đó tại lán Tỉn Keo, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thông qua chủ trương chiến lược đông-xuân 1953-1954 và hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Những định hướng, chiến lược, quyết sách kịp thời để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954) đều được bàn bạc, phân tích, tập dượt chuẩn bị rất kỹ lưỡng và bảo đảm sự tuyệt mật nhờ sự bao bọc, che chở của nhân dân và núi rừng Định Hóa. Với sứ mệnh lịch sử ấy, ATK Định Hóa được xem là trung tâm của Thủ đô kháng chiến với 128 điểm di tích lịch sử cách mạng ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc.

Trong dòng người viếng Bác hôm nay, có những cụ già râu tóc bạc phơ, có cả các em nhỏ từ khắp mọi miền Tổ quốc, đồng bào dân tộc từ các vùng rẻo cao cùng rất nhiều bạn bè quốc tế, mọi người tề tựu trong niềm vui chung, niềm vui hội ngộ trên quê hương kháng chiến. Về với Thủ đô kháng chiến, không chỉ để thêm yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc, mà ở đó như nhắc nhở thế hệ mai sau luôn khắc ghi công ơn của cha ông. Và mỗi lần thắp nén hương thành kính dâng lên Bác, lòng tự nhủ rằng phải sống và làm theo gương Người.


Bài, ảnh: Thanh Thuận

 


.