Hát cùng quê hương đất nước

01:12, 13/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ngãi mới được thành lập năm 2007 và lúc đó chỉ có 7 thành viên. “Danh nghĩa” là vậy, nhưng hoạt động âm nhạc đã có nền tảng và bề dày theo sự phát triển của tỉnh nhà.

Từ trước năm 1975, ở vùng giải phóng có đoàn Văn công, ở trong đô thị tạm chiếm có phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của thanh niên, sinh viên, học sinh đã dùng tiếng hát như một thứ vũ khí để chống lại bạo quyền áp bức. Sau 1975, nhất là những năm 1980 của thế kỷ trước, CLB âm nhạc thị xã Quảng Ngãi được hình thành và những thành viên của CLB thật sự là hạt nhân trong các phong trào văn nghệ quần chúng lúc bấy giờ.

 

Đoàn ca múa dân tộc và hội viên Chi hội âm nhạc biểu diễn hát múa “Biển đảo nghìn trùng Tổ quốc ta” tại Ngày âm nhạc Việt Nam tại Quảng Ngãi.
Đoàn ca múa dân tộc và hội viên Chi hội âm nhạc biểu diễn hát múa “Biển đảo nghìn trùng Tổ quốc ta” tại Ngày âm nhạc Việt Nam tại Quảng Ngãi.


Năm 1989, khi tỉnh Quảng Ngãi được tái lập, Hội Văn học nghệ thuật cũng hình thành và Chi hội âm nhạc trực thuộc Hội có điều kiện để nâng tầm hoạt động. Từng bước, đã xây dựng Chi hội âm nhạc chẳng những hoàn thiện về mặt tổ chức (thành lập Chi hội trực thuộc Trung ương) mà còn tạo điều kiện để Chi hội có nhiều hoạt động nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Trong đợt Hội VHNT mời đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh đảo Jeju – Hàn Quốc qua thăm Quảng Ngãi, Chi hội âm nhạc đã phối hợp giao lưu biểu diễn một chương trình nghệ thuật đặc sắc. Vào năm 2009, Hội VHNT cũng cử một đoàn văn nghệ dân gian gồm các nghệ nhân của các dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Ngãi cũng biểu diễn một chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc địa phương tại tỉnh đảo Jeju – Hàn Quốc để lại nhiều ấn tượng cho khán giả nước bạn. Ngoài ra, dấu ấn của Chi hội là tham gia tích cực công tác xã hội.

Cứ mỗi lần Hội Nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức biểu diễn văn nghệ để kêu gọi lòng từ thiện thì đều có sự hỗ trợ tích cực của Chi hội âm nhạc. Qua đó, có nhiều đoàn nghệ thuật và cá nhân tên tuổi như: Đoàn ca múa nhạc Bông Sen TP.HCM, PGS TS Thế Bảo, Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nhất Sinh, Thập Nhất... về tham gia giao lưu biểu diễn cho công tác từ thiện. Có lần, nhạc sĩ Tôn Thất Lập trao 10 triệu đồng cho quỹ từ thiện, số tiền mà con gái ông du học ở Pháp bị bệnh hiểm nghèo trước khi mất gửi gắm lại. Tuy giá trị không lớn, nhưng đây là hành động từ trái tim cao cả của một người Việt xa xứ gửi về cho những số phận không may mắn ở Quảng Ngãi - đã làm lay động bao tấm lòng hôm đó...

Những lần tổ chức Ngày thơ, Ngày âm nhạc Việt Nam... thì trên sân khấu lại thấy xuất hiện và vang lên những ca khúc của Chi hội âm nhạc. Ngoài những tiết mục có hình thức đơn giản như đơn ca, tốp ca, chương trình từng bước được nâng lên thành hợp ca, hợp xướng với nhiều bè phối phức tạp cùng với hàng chục, hàng trăm người biểu diễn đã để lại cho người xem nhiều ấn tượng khó quên. Không chỉ ca khúc cho người lớn mà còn có cả cho thiếu nhi, hòa tấu nhạc không lời, nhạc múa, nhạc phổ thơ, cả diễn tấu đánh chiêng, đấu chiêng của dân tộc miền núi, dân ca miền biển, đồng bằng… từng bước làm nên bức tranh toàn diện mọi mặt về âm nhạc dân tộc, hiện đại, góp phần cho sự phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp nước nhà trong xu thế tham gia hội nhập quốc tế.

Còn nhớ, khi huyện Tây Trà mới được thành lập, trại sáng tác âm nhạc do Hội VHNT tỉnh tổ chức gồm các nhạc sĩ ở Quảng Ngãi cùng các nhạc sĩ ở TP.HCM đi thực tế và có đêm giao lưu thú vị với nhân dân địa phương. Khi đó huyện mới thành lập, mọi thứ đều khó khăn, chỗ ngủ chỉ là bàn ghế ghép lại hoặc nằm dưới đất nhưng lòng người dân ấm áp nên đêm tuy lạnh, cả đoàn cảm thấy ấm cúng lạ thường. Rồi đợt giao lưu ở đảo Lý Sơn gần đây do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP. Hồ Chí Minh cùng Chi hội âm nhạc Quảng Ngãi tổ chức cũng vậy. Do điều kiện ra đảo khó khăn nên Đoàn chỉ đem những tiết mục nhỏ, gọn nhưng nhân dân đã háo hức đến nơi biểu diễn chờ rất sớm và giữ nguyên đội hình xem đến tận khuya mới ra về.

Ngoài ra, với tấm lòng rộng mở và hiếu khách của người dân Quảng Ngãi, năm 2013 Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng chọn Quảng Ngãi để đăng cai liên hoan âm nhạc các tỉnh, thành khu vực phía Nam lần thứ VII và đã đem lại thành công rất mỹ mãn. Qua quá trình hoạt động, cho dù chỉ có 13 hội viên (mất 2, chuyển nơi khác 1) cùng hơn 30 hội viên âm nhạc địa phương và những cộng tác viên yêu âm nhạc đã làm được nhiều việc đáng kể. Ngoài những hoạt động nêu trên, còn có hàng chục album nhạc, tập nhạc của hàng chục tác giả đã in ấn phát hành được dư luận đánh giá cao.


Bài, ảnh: Minh Điền

 


.