Ca sĩ Kiều Oanh: Được biểu diễn là niềm hạnh phúc

10:12, 18/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cũng như trên sàn diễn, ca sĩ Kiều Oanh ở ngoài đời cũng rất chân quê, mộc mạc như những ca khúc, trích đoạn mà chị thể hiện gần 25 năm qua. "Có lẽ những làn điệu dân ca, bài chòi ca ngợi quê hương, đất nước, con người, nhất là quê hương xứ Quảng,... đã ăn sâu vào tâm hồn mình nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính cách ngoài đời" - Kiều Oanh chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN
Ca sĩ Kiều Oanh sinh năm 1972 ở thị trấn Chợ Chùa thuộc huyện trung du Nghĩa Hành. Chị may mắn được trời phú cho chất giọng mượt mà làm say đắm lòng người mỗi khi hát các làn điệu dân ca. Ngay từ khi cắp sách đến trường, không một chương trình văn nghệ nào của lớp, của trường mà chị khỏi tham gia. Niềm đam mê được ca hát ấy lớn dần theo năm tháng, có những lúc chị khiến bố mẹ phải mất ăn mất ngủ. Nhưng rào cản ấy không ngăn được bước chân khát vọng trở thành ca sĩ của chị. "Khoảng cuối năm 1989, khi đang học lớp 12 mình quyết định thi tuyển vào Đoàn ca múa nhạc dân tộc Quảng Ngãi với 2 ca khúc: Quê hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch và Cô đi nuôi dạy trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và kết quả không còn là giấc mơ nữa", Kiều Oanh nhớ lại.

 

Ca sĩ Kiều Oanh.
Ca sĩ Kiều Oanh.


Bước chân vào con đường ca sĩ chuyên nghiệp của Kiều Oanh bắt đầu từ đó. Dẫu lúc đầu có những bước đi chông chênh nhưng được sự dìu dắt của lớp đàn anh đi trước như đạo diễn sân khấu Mai Thanh Bình, nghệ sĩ Thy Lộc, anh Châu Bình, anh Trần Tám..., ca sĩ Kiều Oanh từng bước tìm cho mình một hướng đi riêng đó là hát dân ca, bài chòi và đã khẳng định tên mình trên sân khấu chuyên nghiệp. Năm 1998, chị vinh dự được cử đi học tại Trường Cao đẳng nghệ thuật Quân đội.

Cũng chính từ cái nôi của đoàn, chị đã tìm được cho mình một nửa trái tim còn lại của cuộc đời ở anh nhạc công Huỳnh Văn Minh, quê mẹ ở đất võ Bình Định. Kiều Oanh kể: "Nhạc công là linh hồn của ca sĩ. Và ngay từ những ngày đầu bước chân vào đoàn, mình thật sự bị cuốn hút bởi lối chơi điêu luyện của anh ấy và cảm nhận không thể thiếu anh trong cuộc đời mình. Năm 1993, tụi mình quyết định góp gạo nấu chung". Kết quả của sự hạnh phúc ấy là bé Huỳnh Trịnh Ly Ly ra đời và nay đang là học sinh lớp 12 chuyên văn Trường chuyên Lê Khiết. Và cũng chừng ấy năm nhưng căn phòng tập thể của đoàn vẫn là mái nhà chung của gia đình nhỏ này. "Nghiệp cầm ca là thế đấy!", Kiều Oanh đùa vui.

Tại các cuộc thi chuyên nghiệp và không chuyên toàn quốc và khu vực, Kiều Oanh đã góp phần không nhỏ trong những thành công của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh và mang về những thành tích đáng kể cho bản thân. Với công chúng Quảng Ngãi, một Kiều Oanh luôn cháy hết mình trên sàn diễn với những làn điệu dân ca, bài chòi Khu V, những câu hò, điệu lý như ru ngủ lòng người và luôn để lại những ấn tượng đẹp cho người nghe, người xem.

Và chị luôn biết cách làm mới mình bằng sự nỗ lực trong tập luyện, trau dồi thanh giọng và luôn luôn sáng tạo. "Mình tâm niệm rằng, hạnh phúc của người ca sĩ là được biểu diễn. Nhưng giờ đây, mảnh đất ấy dần bị thu hẹp bởi những tác động của cơ chế thị trường. Điều đó cũng để trong mình nhiều tâm tư, nhưng cứ mỗi lần đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh, thấy đồng bào mình dõi mắt tròn xoe nghe và ngóng nhìn, có những hôm mưa trắng xoá cả núi rừng nhưng họ vẫn đội mưa đi xem, khiến anh chị em trong đoàn cảm nhận như luôn mắc nợ với đồng bào, dù cuộc sống phía trước vẫn còn bề bộn những mớ lo toan" - Kiều Oanh chia sẻ.

Duyên nợ ấy chắc chắn không thể nào chia cắt được dù tuổi thanh xuân của người ca sĩ như chị không còn được nhiều. Với Kiều Oanh, giờ đây, ngoài thời gian tập luyện phục vụ nhiệm vụ chính trị của đoàn, chị còn ấp ủ một dự định là tập hợp anh chị em hát dân ca, bài chòi thành lập một nhóm để được thoả niềm đam mê ca hát và xa hơn nữa là phục vụ cho loại hình dịch vụ du lịch văn hoá tinh thần sẽ được phát triển trong thời gian đến.

Đạo diễn sân khấu Mai Thanh Bình, nguyên Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc Quảng Ngãi nay đã nghỉ hưu cho rằng, ý tưởng của ca sĩ Kiều Oanh là độc đáo, hay và có tính khả thi cao, bởi đấy là sản vật của vùng đất trung trung bộ nói chung và Quảng Ngãi nói riêng mà chúng ta đang ra sức bảo tồn và phát huy. Và tôi tin rằng, điều đó sẽ thành hiện thực nếu như có sự tiếp sức của ngành VH-TT&DL tỉnh.
    

Bài, ảnh: Phú Đức



 


.