Nguyễn Trung Hiếu: Một đời thơ - những lời tâm sự

09:10, 28/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tập thơ Nguyễn Trung Hiếu, đây là tập thơ thứ 7 của nhà thơ được ấn hành. Ngoài tám mươi xuân, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng Nguyễn Trung Hiếu vẫn yêu đời, vẫn khát khao với cuộc sống, cháy hết mình qua từng trang thơ.

Trong tập thơ vừa được xuất bản, ông trở về với những hoài niệm thời chiến tranh. Vẫn còn nguyên trong thơ ông những khắc khoải của những tháng ngày trong tầm pháo địch, những kiên trung và hèn nhát của từng con người đi qua chiến tranh. Ngọn đèn của mẹ C, nơi là cơ sở đầu tiên của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Nghiêm từ những năm 1930 – 1931 vẫn sáng mãi trên trang thơ, làm ấm lòng chúng ta khi nhớ về buổi bình minh của lịch sử cách mạng ở một miền đất kiên cường, bất khuất, hứng chịu nhiều gông xiềng, máu lửa như Quảng Ngãi.

 


Ta vẫn nghe vang vọng tiếng gà xóm Bãi thật bình yên sau những trận càn của địch. Tiếng gà vang lên là tín hiệu của bình yên trên một miền đất bao năm bom cày, đạn xới, là khát vọng hòa bình của người dân lầm than, cơ cực: “Mỗi túp lều còn đây/ trải bao cơ cực/ phải giành từng tấm tranh/ nuộc lạt/ bằng mồ hôi/ cả máu của trăm người” (Tiếng gà xóm Bãi). Ta cũng bồi hồi với tác giả vì tấm lòng bao la, độ lượng của bà mẹ ở Gò Tranh khi đất nước vừa tan bóng giặc. Mẹ trách yêu những đứa con mới ngày nào cơm nắm, muối dưa, nay có còn biết nhớ đến nơi này không?: “Thùng thùng trống giục làng bên/ Đàn gà chiêm chiếp trước hiên bới mồi/ Vui trong đôi mắt mẹ cười/ Mây in sắc lúa sắc trời dâu xanh” (Bà mẹ Gò Tranh).

Trong tập thơ, Nguyễn Trung Hiếu cũng là chứng nhân của thời kỳ hòa bình xây dựng, biết trân trọng từng giọt mồ hôi của người nông dân đổ xuống luống cày; những suy nghĩ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất góp phần làm giàu cho đất nước: “Soi bóng dòng sông thác quẫy/ Tiếng xe reo hối hả công trường/ con trẻ ríu ran/ lao xao/ người như hội/ Ơi đất DakRing! Ơi bao con suối/ Ơi! Taman, phía ấy mặt trời lên” (Phía ấy mặt trời lên).

Và, những câu thơ như lời tự sự: “Còn tôi?/ Hình  như đã ghi được/ một góc tâm hồn đang mở/ của người anh em khó nhọc Ba Na/ ánh sáng điện Yali/ khát khao/ từ bóng tối” (Yali). Tập thơ còn ghi dấu những nẻo đường rong chơi của ông qua chiến trường xưa, gặp gỡ bạn bè, thi hữu và đến những miền đất lạ: “Hẳn mình không thể gặp mình thuở ấy/ Đường Hai Mươi bạn ở có mình/ Tiếng cuốc vọng đâu đây chừng khắc khoải/ Người ơi người, còn lại màu xanh” (Đường hai mươi).

Đến thăm đất nước Trung Hoa, Nguyễn Trung Hiếu rất sảng khoái, có những liên tưởng khá độc đáo: “Ngắm Tây Hồ liễu ngẩn ngơ trông/ xanh một sắc Hồ Tây êm ả/ Tôi không dám hẹn ngày trở lại/ Thương nàng Tiên lỡ để gương rơi” (Thương nàng Tiên đến với Tây Hồ). Một thoáng bâng khuâng, tôn kính gửi tấc lòng đến người nằm dưới mộ: “Suốt đời làm công bộc cho dân/ Mong ước của bà khi khuất núi/ Cô giúp việc cùng bà yên nghỉ/ Liếp cỏ xanh nguyên phủ sáng mộ phần” (Viếng mộ bà Tống Khánh Linh). Phần cuối của tập thơ là những đoạn thơ như những đoạn nhật ký chiến trường. Nguyễn Trung Hiếu ghi lại những mảnh đất và con người trong chiến tranh – những trải nghiệm của ông một thời nay đọc lên nghe rưng rưng vì nó quá chân thực gợi nhớ tháng ngày đã qua…


        Trầm Thụy Du
 


.