Kà - rỏ của “plây”

01:10, 21/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi những hạt lúa ngoài rẫy đã về chòi, khắp các thôn làng (plây) của người Hrê Sơn Hà lại rộn tiếng cồng chiêng mừng mùa lúa mới. Trong mâm cơm tạ ơn Giàng, không thể thiếu những ché rượu được làm từ những hạt gạo rẫy tim tím, thơm, ngọt đầy bản sắc mà người Hrê quen gọi đó là  Kà-rỏ của “plây”…


Cùng với tiếng cồng chiêng ngân vang, rượu Kà- rỏ (rượu cần) là vật phẩm thiêng liêng trong lễ cưới, mừng lúa mới, dựng nhà của người Hrê Sơn Hà. Chính cái hơi men nồng nàn của Kà- rỏ quyện cùng làn điệu cồng chiêng đã tạo nên nét rất riêng, lung linh, say đắm, ấm nồng của hội làng Hrê giữa núi rừng xanh thẳm.

Thưởng thức Kà- rỏ trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC Làng Rào (Sơn Thủy, Sơn Hà).                            Ảnh: T.N
Thưởng thức Kà- rỏ trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC Làng Rào (Sơn Thủy, Sơn Hà). Ảnh: T.N


Mùa lúa mới cuối thu cũng chính là thời điểm các khu dân cư của đồng bào dân tộc thiểu số Hrê Sơn Hà tổ chức ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Một năm đi qua, một mùa rẫy vừa kết thúc, ngày hội làng với bao mong đợi của người Hrê lại về. Không mâm cao, cỗ đầy, nhưng trong ngày hội ấy không thể thiếu những ché Kà- rỏ do chính tay các mẹ, các chị tự làm. Giữa không gian ấm cúng của ngày hội, họ vừa nói với nhau những điều hay lẽ phải, cùng nhau bàn việc xóm, việc làng, vừa biểu diễn cồng chiêng, nhâm nhi rượu Kà- rỏ thơm nồng được làm từ gạo rẫy với rễ cây rừng vừa đủ “chín”.  

Một ché Kà- rỏ ngon được ví như tình cảm, sự trân trọng của gia chủ đối với người làng. Vậy nên ai cũng cố làm sao để Kà- rỏ nhà mình ngon nhất, thơm nhất, góp vào ngày hội. Trong ché  Kà- rỏ không chỉ đơn thuần là men say mà còn có cả linh hồn của người làm ra nó. Và trong từng giọt Kà- rỏ kia tràn đầy sự mến khách, tình đoàn kết, thủy chung.

Chúng tôi đã có dịp được thưởng thức vật phẩm thiêng liêng Kà- rỏ trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư Làng Rào, thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy (Sơn Hà). Khi chiếc lá rừng trên miệng Kà- rỏ vừa được gỡ ra, mùi thơm của men bay ngào ngạt.

Những vị cao niên được dân làng kính trọng mời “khai triêng”. Chiếc ống nhỏ thường được gọi là “sợi triêng” là một loại dây rừng dài nửa mét cắm sâu vào lòng ché. Những bàn tay vít lấy triêng thưởng thức hương vị ngọt ngào của Kà - rỏ. Rồi bất chợt những cái gật đầu, mỉm cười, tán thưởng như mời gọi những vị khách tiếp theo. Dẫu không phải là người biết thưởng thức Kà - rỏ nhưng khi cầm sợi triêng hút một hơi, sẽ cảm nhận hình như mình đang “chạm” vào nét văn hóa độc đáo của người Hrê vậy…

Men cay của Kà- rỏ chừng dăm ba lít bên trong chiếc chóe kia có lẽ còn lâu mới say nổi rất đông người trong ngày hội. Thế nhưng có một thứ gì đó lung linh, dịu nhẹ, đủ để họ phiêu bồng cùng văn hóa Kà- rỏ của người Hrê. Một thứ văn hóa không phân biệt già trẻ, gái trai, hễ ai có mặt trong ngày hội đều có thể cầm sợi triêng “min” mà cảm nhận... cái hương vị của đại ngàn.


     Thanh Nhị

 


.