"Trẻ em Việt thời chiến" đôi mắt sáng dưới vành mũ rơm

09:09, 19/09/2013
.

Mùa khai trường năm nay, Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt độc giả một ấn phẩm công phu, đó là cuốn sách ảnh “Trẻ em thời chiến”. Cuốn sách là bước tiếp nối thành công của triển lãm ảnh “Trẻ em thời chiến” đã được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Gần 100 bức ảnh kể với bạn đọc hôm nay về cuộc sống của trẻ em Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh khắc nghiệt, góp phần khẳng định sức sống mãnh liệt và ý chí tuyệt vời của con người Việt Nam.

 

"Trẻ em Việt thời chiến" đôi mắt sáng dưới vành mũ rơm
 

 

Trần Đăng Khoa rưng rưng bên ảnh xưa
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – một trong những nhân vật có mặt trong cuốn sách ảnh “Trẻ em thời chiến” đã bồi hồi xúc động khi xem lại những bức ảnh của mình và bạn bè cùng thế hệ. Thời đó, mũ rơm đã trở thành hình ảnh quen thuộc của mọi làng quê. Từ một vật dụng giúp trẻ em tránh được sát thương của mảnh bom đạn, việc đan mũ rơm đã được nâng lên thành một nghệ thuật. Thầy cô giáo hướng dẫn học trò cách đan mũ rơm sao cho chặt tay, dày dặn mà vẫn đẹp. Mũ rơm không chỉ là chiếc áo giáp bảo vệ cho những bộ óc và trí tuệ bé nhỏ của dân tộc, mà còn là hình ảnh nhận diện trẻ em Việt Nam, vẫn lạc quan và yêu đời, chấp nhận và thích nghi với hoàn cảnh. 
 
Bài học đầu tiên của Trần Đăng Khoa khi đến trường là “Tổ quốc em đẹp lắm, cong cong hình lưỡi liềm”. Nhưng trước khi giảng bài, thầy giáo nói các trò hãy gập sách lại đã. Hôm nay, thầy dạy các em một bài giảng chưa có trong sách giáo khoa.
 
Thầy giơ lên một chiếc đũa, hỏi “Đây là cái gì hả các trò?”. Cả lớp đồng thanh: “Thưa thầy, đây là chiếc đũa”. Thầy giáo giơ chiếc đũa thẳng ra đằng trước, tiếp lời: “Thế đây là hình gì các em?”, “Thưa thầy, tròn xoe như hòn bi”. “Nếu các trò thấy quả bom rơi trên trời giống hình chiếc đũa, tức là bom còn ở xa, các em hãy đội mũ rơm, xuống hầm tránh bom, còn nếu quả bom có hình viên bi, tức là đang rơi ngay trên đầu. Các em cần chạy tản ra thật nhanh để tìm chỗ ẩn nấp”.
 
Sau bài tập tránh bom là bài giảng về cách sơ cứu và băng bó. Trò nhỏ miền quê hưởng ứng ngay vì thấy nó thú vị như đánh trận giả. Nhưng khi trò sơ cứu, băng bó thành thạo, thì thầy giáo đứng bên vách hầm lặng lẽ khóc. Chỉ ít ngày sau, thầy cũng tạm biệt trò nhỏ để ra chiến trường… 
 
 

 

 

 

“Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà, Những năm cây súng theo người đi xa”, từ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã xuất hiện thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, cùng những tấm gương như thầy giáo liệt 2 tay Nguyễn Ngọc Ký, cậu bé viết bằng chân Hoa Xuân Tứ, nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn… Ngày ngày mũ rơm đội đầu, các cô cậu bé đến trường làng học tập qua giao thông hào, học cách bện mũ rơm cho thật đẹp, nhanh chóng di chuyển vào hầm tránh bom khi có báo động.
 
Bom đạn đi vào trong thơ Trần Đăng Khoa thật đặc biệt qua cái nhìn và sự cảm nhận của một cậu học trò miền quê. Ông nói: “Trong chiến tranh, khoảnh khắc rất quan trọng. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh chiến trường nâng ống kính lên, đối diện với những rủi ro có thể lấy đi tính mạng của chính mình để ghi lại những khoảnh khắc. Còn tôi có cách chụp riêng mình bằng ngôn ngữ, bằng thơ. Những cảnh “dây diều em cắm bên bờ hố bom” là cảnh thật hoàn toàn. Hay những gia đình thời chiến luôn bận rộn “Bố vào lò gạch, Mẹ ra đồng cày, Chị đi công tác, Anh săn máy bay”, khiến đứa trẻ con bốn tuổi út ít trong nhà tha thẩn chơi một mình”.
 
Cậu bé dường như có bóng dáng của chính Trần Đăng Khoa, đã phải nịnh chú mèo cùng chơi với nhau ván tam cúc, và tế nhị để chú mèo giành phần thắng, kẻo nếu mình cứ thắng mãi, mèo chán, mèo bỏ đi, ai chơi với mình? Bên cạnh sự quan tâm, bảo vệ của người lớn, trẻ em thời chiến cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mà tự chơi, tự lớn. 
 

 

 

 

Sức mạnh ý chí Việt Nam qua ánh mắt trẻ thơ 

Cuộc sống thường ngày của trẻ em bị đảo lộn khi chiến tranh ập tới. Đi sơ tán, các em buộc phải làm quen với cuộc sống học tập xa gia đình, kham khổ và thiếu thốn, rèn rũa sự tự lập, làm quen với những người bạn mới, trở thành thân thuộc với những gia đình chở che mình. Không điện, không nước máy, các em đi qua mỗi ngày của chiến tranh bằng tất cả nghị lực, tự tay đào hào giao thông, hầm trú ẩn, đan mũ rơm, làm bánh mì… để chăm lo và bảo vệ bản thân. Hành trang đến trường của trẻ em thời chiến, ngoài sách vở còn có túi cứu thương, mũ rơm đội đầu để chống mảnh bom đạn...
 
Nhiều em bé sinh ra và đón bình minh trong địa đạo. Chiến tranh khốc liệt nhưng các trường vẫn thi đua dạy tốt, học tốt. Những gương mặt trẻ thơ tươi sáng, hồn nhiên, ngây thơ mà rắn rỏi, và những gương mặt người lớn bao bọc các em trong chiến tranh cũng thật điềm tĩnh và lạc quan. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc bé nhỏ nhưng vĩnh cửu, được ghi lại bởi các phóng viên ảnh của hãng tin truyền hình Nihon Denpa News (Nhật Bản), báo Thiếu niên tiền phong, Thông tấn xã Việt Nam, một số tư liệu của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Tp.HCM). 
 
Những bức ảnh được chụp cho người xem cảm giác nhẹ nhõm, như hoa nở trên sa mạc khô cằn. Không hề có đau thương, đổ nát, hoang tàn. Tất cả thần thái trong ảnh toát lên sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống, hạnh phúc được che chở, bao bọc, quan tâm đầy thơ ngây chứ không phải niềm tin vào ngày chiến thắng theo cách lý tưởng của người lớn. 
 
Nếu có một sự khác biệt mà trẻ em hiện đại khi soi mình vào những bức ảnh cũ cảm thấy ghen tị, đó là sự trải nghiệm đa dạng: được chạy nhảy, nô đùa, lăn lộn trên rơm rạ vừa êm vừa thơm mùi lúa; được chơi trốn tìm trong những hầm hào giao thông chạy miên man khắp làng quê; được tin tưởng và tự tay làm nhiều công việc của người lớn; được cưa cắt vỏ xác máy bay Mỹ để sáng tạo nên các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày...
 
Ngày nay, có mấy đứa trẻ thành thị được đi qua cảm giác lăn mình vào ổ rơm ấm sực ở quê nhà xa xôi, được vuốt ve chú chó, chú mèo và lăn ra ngủ một giấc thật say trong niềm hạnh phúc thơ bé? Trẻ em rất thích các trải nghiệm mới mẻ. Có thể, ở thời điểm đi sơ tán những năm ấy, đứa trẻ nào cũng say sưa cố gắng theo cái khí thế hừng hực của cả dân tộc, không đứa nào nghĩ cuộc sống đó là khổ cực. Mãi đến sau này, khi nhớ lại, nhìn lại, mới thấy mình đã trải qua một thời đói khổ như thế. Có lẽ vì vậy mà lớp thiếu nhi đó lớn lên, đi qua thời bao cấp đã chịu đựng được mọi khó khăn, sống có lý tưởng. 
 
 

 

"Trẻ em Việt thời chiến" đôi mắt sáng dưới vành mũ rơm
 

 

Những kỷ niệm sống lại bồi hồi
 
Xem cuốn sách, tôi nhớ đến người mẹ của mình. Cùng thế hệ với những đứa trẻ trong cuốn sách ảnh “Trẻ em thời chiến”, mẹ tôi phải trông nom 3 đứa em thơ dại ở nơi sơ tán để bà yên tâm công tác, ông yên tâm chiến đấu ngoài chiến trường B. Có lẽ vì thế mà cái nếp tằn tiện, tiết kiệm vẫn còn giữ lại được đến tận về sau này, khi cuộc sống đã khá hơn nhiều. Mẹ và các dì cũng rất khéo tay. Gần như ai cũng thành thạo đan len, móc áo mũ, thêu gối, khăn tay...
 
Có những mùa thu, mẹ miệt mài đan khăn và mũ len ấm áp cho khắp lượt các cháu. Sau này, khi mẹ mất, tôi còn giữ lại vài chiếc khăn mẹ đang đan dở mà không biết cách nào hoàn thiện nốt những công trình nhỏ chan chứa yêu thương ấy. Những cuốn nhật ký năm xưa của mẹ với nét chữ bay bổng và những minh họa tự vẽ rất đẹp cũng là kỷ vật đáng giá cho con cháu sau này. 
 
Khi ra Hà Nội đúng dịp NXB Kim Đồng tổ chức triển lãm ảnh, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Tp.HCM đã lập tức đề nghị đưa triển lãm vào Sài Gòn. Triển lãm tại Hà Nội chỉ diễn ra trong 1 tuần với sự thòm thèm của công chúng thủ đô, thì triển lãm tại miền Nam thành công ngoài sức tưởng tượng.
 
Từ 2 tháng, kéo dài 4 tháng rồi 6 tháng mà người xem vẫn đông đảo. Để giúp khách tham quan nhí mường tượng rõ hơn về cuộc sống của ông bà, cha mẹ chúng năm xưa, triển lãm đã có những hiện vật: mũ rơm, đèn dầu, bút mực, phích nước, đèn pin, túi cứu thương, huy hiệu đoàn, vali bằng xác máy bay. Phải nhìn nụ cười tươi và sự háo hức của những đứa trẻ lần đầu được chạm tay và đội thử mũ rơm mới thấy được ý nghĩa của triển lãm này. 

 

"Trẻ em Việt thời chiến" đôi mắt sáng dưới vành mũ rơm
 

 

Nói về cái nhìn của thế giới với trẻ em thời chiến, nhà thơ Trần Đăng Khoa đưa ra cảm nhận của nữ nhà văn người Bulgari. Khi sang Việt Nam, nhìn những đứa trẻ cầm xà beng tự tay đào hầm trú ẩn cho mình, bà nói: “Tội lỗi lớn nhất của loài người là khiến các em nhỏ này không còn tuổi thơ nữa”. Và Trần Đăng Khoa nói: “Ở lứa tuổi lên 10, khi tôi công bố bài thơ đầu tiên cũng là lúc tôi giã từ tuổi ấu thơ của mình. Khi đó, tôi đã phải làm công việc của một người phát ngôn cho thế hệ mình trong kháng chiến chống Mỹ về sức mạnh phi thường của người Việt Nam với thế giới”. Đó cũng là năm thứ tư nước ta bước vào cuộc chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ. Bom đạn ác liệt nhưng kẻ địch không bẻ gãy được ý chí của nhân dân ta, vì cuộc sống vẫn tiếp diễn:“Ao trường vẫn nở hoa sen, Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu”. 
 
Và những cuốn sách mỏng, nét vẽ sinh động, giấy đen vàng nhưng tràn đầy nhiệt huyết sục sôi và cả sự chân thành của các cây viết cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng đã nuôi dưỡng ước mơ cho nhiều em nhỏ. Tập thơ “Tấm lòng chúng em” đã thôi thúc cậu bé Trần Đăng Khoa tập gieo vần làm thơ. Những cuốn sách về nhà trường yêu dấu để hun đúc ý chí ham học, những cuốn truyện đồng thoại với các cây bút có tiếng cho trẻ em (Văn Biển, Võ Quảng, Nguyễn Kiên) để vun đắp trí tưởng tượng bay bổng, những cuốn sách phổ biến khoa học để làm nên một thế hệ không lạc hậu, cùng những cuốn sách lịch sử, giáo dục truyền thống xưa cũ của Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài... để xây dựng lòng yêu nước. 
 
Cuốn sách ảnh “Trẻ em thời chiến” mang đến cho bạn đọc hôm nay những hình ảnh về trẻ em thời chiến, để các em thêm hiểu về tuổi ấu thơ của cha mẹ, ông bà mình (“Đồng chí của tương lai/ Mang mũ rơm đi học đường dài” – Thơ Tố Hữu), thêm trân trọng những giá trị của hòa bình. 
 
 
Theo Diệu Ngân/Truyền hình số VTC
 

.