Tô Hoài… nhớ

03:09, 08/09/2013
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Về nhà văn Tô Hoài, người ta đã viết bao nhiêu bài bao nhiêu trang, và sẽ còn viết nữa, vì ông là một trong những “cây đại thụ” của văn xuôi Việt Nam. Ý kiến về Tô Hoài cũng rất khác nhau, điều ấy chứng tỏ ông là một “hiện tượng” không dễ để hiểu một chiều.
 

Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài

Riêng tôi, không thuộc hàng “thân” hay “đệ tử” của Tô Hoài, nhưng qua một số lần tiếp xúc, nhất là qua những bức thư tình cờ hoặc không tình cờ mà Tô Hoài gửi cho tôi, cảm nhận của tôi về ông lại khá nhất quán. Trước hết, Tô Hoài là nhà văn không chịu “để rơi” bất cứ chuyện gì dù tình cờ qua tay ông. Ông nhớ gần như hết mọi điều mà ông đã trải trong đời. Đó là nhà văn có trí nhớ-văn học vào loại phi thường.

Trí nhớ văn học có khác với trí nhớ bình thường, vì nó đã qua sự gạn lọc nhằm phục vụ cho một ý đồ văn học nào đó. Nhưng với Tô Hoài, dường như trí nhớ bình thường với trí nhớ văn học ở ông nhập làm một.

Trong một bức thư gửi cho tôi đã khá lâu, ông nhắc về chuyện một cậu bé (gọi “cậu bé” chứ nay anh này đã… 50 tuổi rồi) đang sống ở thành phố tôi ở. Cậu bé này trước ở căn nhà đối diện với Hội nhà văn Việt Nam (đường Nguyễn Du). Cậu bé hơi bị thần kinh, nhưng tính rất lành, và thường ngày hay lân la sang Hội Nhà văn chơi với các bác Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng…

Chả biết, cậu bé lúc ấy có ý định xin một chân “cửu phẩm văn giai” (hội viên hội nhà văn) không, nhưng đúng là cậu đã khá thân với Tô Hoài.

Sau này khi đã về quê ở miền Nam, thỉnh thoảng cậu vẫn trần mình viết thư thăm bác Tô Hoài (cậu bé viết rất khó khăn). Có lẽ vì chi tiết đó mà Tô Hoài nhớ cậu bé.

Ông kể rạch ròi mọi chuyện cũ quanh cậu bé và Hội Nhà văn, rồi nhờ tôi tới thăm giùm xem cậu bé ấy nay sống thế nào, có khoẻ không? Ai nói Tô Hoài tính lạnh nhạt và vô tình, riêng tôi thì không. Chỉ với một cử chỉ đó thôi, Tô Hoài đối với tôi đã rất đáng trọng.

Khi gặp và trò chuyện  với “cậu bé” (thực ra ở tuổi em tôi và có điều thú vị là tôi rất quen biết với bố của cậu bé, ông cũng đã mất khá lâu rồi), tôi mới nghe cậu kể rất nhiều chuyện về “bác Tô Hoài”, dĩ nhiên toàn chuyện tốt.

Rồi một lần nữa, cách đây đúng 6 năm, Tô Hoài lại viết thư và gửi bài cho tôi đăng ở tạp chí văn nghệ “Sông Trà” của Quảng Ngãi. Thư có đoạn: “Tôi mới viết được cái tạp văn về một người bạn đã mất, gửi Sông Trà, nhân đọc bài của Thanh Thảo viết “Đọc nhật ký Dương Thị Xuân Quý”(Sông Trà tháng 7). Tôi thường đọc tạp chí Sông Trà (mượn của thư viện Hội Văn nghệ Hà Nội) Thanh Thảo làm tạp chí rất giỏi, bài vở mang dấu vết Sông Trà nhưng mà cả nước đọc được, đọc hay”.  

Trong bài viết, Tô Hoài kể chuyện về anh Platon Thành, một nhân vật người Nga “cực tiểu thuyết”, người đã ban đầu là tình cờ, và về sau là có ý thức, tham gia vào cuộc kháng chiến của quân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp. Bút ký của Tô Hoài viết rất thật, rất cảm động và rất hay về con người kỳ lạ này, về số phận còn kỳ lạ hơn của anh, và cuối cùng, về cái kết không mấy kỳ lạ của những con người nhỏ bé bị đời quên lãng. Nhưng Tô Hoài nhớ. Và tôi cảm phục ông chính vì cái sự nhớ này.

Khối người chỉ nhớ những người nổi tiếng, những người giàu sang, những người quyền thế. Mấy ai nhớ những người bị đời bỏ quên trong một xó tối nào đó. Nhưng nghĩa vụ của một nhà văn chân chính là phải nhớ, nhớ và viết về những số phận ấy, con người ấy, để sự hiện diện của họ trong cuộc đời không bị mai một bất công.

Tô Hoài đã làm được điều đó. Bút ký “Anh Platon Thành” của ông, theo tôi, là một tác phẩm hay. Và đó là niềm an ủi cho những con người bình thường nhỏ bé và dễ bị lãng quên. “ Không một ai tẻ nhạt ở trên đời” (Evtushenko). Nhưng văn chương thì cũng dễ…tẻ nhạt lắm, nếu nhà văn không có tài. Tô Hoài là nhà văn có tài. Văn ông rất đậm đà. Và, ông là người biết nhớ./.   
 


.