Thổn thức một tình yêu

08:09, 22/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sự sâu lắng, ngọt ngào của làn điệu bài chòi, hát hố có lẽ thuộc  vào hàng bậc nhất. Tình yêu đối với loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc được lưu truyền từ ngàn xưa này khiến con người ta luôn thổn thức…

Trung tuần tháng 9, Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi được thành lập. Những người vốn đam mê và dành trọn cuộc đời cho “sứ mệnh” gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông bớt đi phần nào nỗi lo loại hình nghệ thuật vang bóng một thời sẽ đi vào dĩ vãng trước sự quay lưng của thị hiếu nghệ thuật đương đại.

Ru hồn giữa trời thu

Giữa tiết trời ngày thu trên quê hương Quảng Ngãi, tôi may mắn được thưởng thức làn điệu bài chòi, hát hố từ chính những cây đại thụ trong làng nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Từng lời ca như ngấm vào tâm hồn lẫn máu thịt, để rồi tuôn như mưa rào. Nhà văn, nhà thơ Thế Kỷ say sưa: “Đất Quảng Ngãi đâu chỉ có mười hai cảnh đẹp/Qua mỗi thời linh kiệt một giàu thêm/Rời quê hương trong bức thư tạm biệt/Anh có viết em là cảnh đẹp của riêng anh/Chiều chiều vuốt mái tóc xanh/Tóc bao nhiêu sợi là tình bấy nhiêu/Chắc là anh đang còn lo khó lo nghèo/Nên chưa kịp về lo chuyện tình yêu của đôi mình/Tình yêu hỏi nhịp con tim/Nhớ nhung em hỏi cánh chim ngập ngừng” (trích  bài “Tình quê” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ).

 

Các diễn viên đang luyện tập vở Thoại Khanh - Châu Tuấn.
Các diễn viên đang luyện tập vở Thoại Khanh - Châu Tuấn.



Mộc mạc nhưng sâu lắng. Dịu êm mà mãnh liệt… Hết bài đến bài, trong không gian tĩnh lặng, người nhịp tay, người thả hồn đung đưa theo làn điệu của lão nhà văn, nhà thơ Thế Kỷ. Đoạn, ông dừng lại như thể trần tình: “Bài chòi hơn các loại hình dân ca khác ở chỗ nó nghe liền, nghe rõ, khúc chiết và liên tục. Nó hay lắm, hay không diễn tả hết, hay không thể viết hết…”. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm (79 tuổi, quê tỉnh Bình Định), người vinh dự nhiều lần hát bài chòi cho Bác Hồ nghe và được Bác đặt cho biệt danh “Kiểm chòi”, tiếp lời: “Bài chòi, hát hố bám sát nỗi niềm của người dân lao động. Tuy khác nhau về giai điệu nhưng cả hai đều xuất phát từ dân gian, thể hiện sự sáng tạo đặc biệt, là nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha”.

 Vừa dứt câu nói, nghệ sĩ Nguyễn Kiểm vỗ tay dứt khoát xuống mặt bàn vừa tạo nhịp, vừa buông lời hát hố: “Chàng hỏi: Tay bưng một rổ bắp rang/Sáng gieo tối mọc đố nàng bắp chi. Nàng trả lời: Rang lại rồi lại rang đi/Sáng gieo tối mọc bắp đầy trời sao”. Nghệ sĩ Kiểm giải thích: “Người Quảng Ngãi ghê thật. Bắp rang rồi mà vẫn mọc. Vung một nắm bắp là tạo thành vũ trụ. Quá tuyệt vời!  

Quảng Ngãi không thể thiếu bài chòi, hát hố

Không thể phủ nhận nét văn hóa đặc sắc của nghệ thuật bài chòi, hát hố. Song, cũng không thể phủ nhận thực tế loại hình nghệ thuật dân gian này ngày càng bị lãng quên. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm tiếc nuối: “Quảng Ngãi không thiếu nhân tài ca hát. Thế nhưng lâu nay không phát triển được bài chòi, hát hố là một khiếm khuyết mà bản thân tôi thấy đau lòng”.

Lời ca bình dị, ngọt ngào của bài chòi từ ngàn xưa đã đi vào lòng người và là món ăn tinh thần không thể thiếu của tầng lớp nhân dân lao động ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Riêng đối với hát hố, nghệ sĩ Nguyễn Kiểm cho biết duy chỉ có ở đất Quảng Ngãi. Nếu như bài chòi gắn với trò giải thích hồn nhiên, vui tươi trong dịp đầu xuân, thì hát hố giúp nông dân ở miền đất Ấn-Trà bớt mệt nhọc, tăng hiệu quả lao động. “Hát hố đi liền với đập cục ở Quảng Ngãi. Đất Quảng Ngãi khô cằn, cày lên cục nào cục nấy to bằng cái thúng, thế nên phải đập cho đất bẹp ra. Từ đó mà sinh ra hát hố. Thoải mái theo nhịp lòng, mỗi lần đập cục là mỗi lần hố lên như để tiếp thêm sức mạnh”, nghệ sĩ Nguyễn Kiểm giải thích.

Nhà văn, nhà thơ Thế Kỷ, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm và tất cả những ai tâm huyết với sự nghiệp gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống như bớt đi nỗi lo trước sự lụi tàn của bài chòi, hát hố trên đất Quảng Ngãi khi Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố được thành lập. Nghệ sĩ Nguyễn Kiểm bộc bạch: “Cảm ơn lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã quan tâm để trung tâm này ra đời, để Quảng Ngãi có được tiếng nói của dân gian qua nghệ thuật bài chòi, hát hố. Từ nay tôi yên tâm với câu nói bài chòi sinh ra từ Quảng Nam cho đến Phú Yên”.   

Thắp sáng nét đẹp truyền thống
 
Những người vốn là cây đại thụ trong làng nghệ thuật dân gian ví bài chòi, hát hố như phần máu thịt và tâm hồn người Việt. Họ luôn thổn thức với ước nguyện truyền dạy loại hình văn hóa đặc sắc được lưu truyền từ ngàn xưa của cha ông cho thế hệ trẻ. Nghệ sĩ Nguyễn Kiểm cho rằng: “Bảo tồn và phát huy bài chòi, hát hố là thực hiện chiến lược trồng người của Đảng ta. Phải truyền dạy để thế hệ cháu con thấy được sự sáng tạo, tinh hoa văn hóa của ông cha”.  

Mặc dù mới thành lập, song Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi cũng đã khởi động dự án “Sân khấu học đường”. Quảng Ngãi là một trong 3 tỉnh của cả nước được Bộ VH-TT&DL chọn triển khai dự án “Sân khấu học đường”. Gần 100 học sinh ở 3 trường THCS: Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi), Bình Dương (Bình Sơn), Phổ Thạnh (Đức Phổ) được tiếp cận loại hình nghệ thuật dân gian bài chòi, hát hố. Anh Trịnh Công Sơn - Giám đốc Trung tâm, không giấu được niềm vui: “Không ngờ các em đón nhận nồng nhiệt nghệ thuật bài chòi, hát hố. Tin rằng, sau một thời gian dài bị mai một, bài chòi, hát hố sẽ sống dậy mạnh mẽ trong lòng các tầng lớp nhân dân”.

 

Minh Anh
 


.