Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận giải Điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung

04:09, 02/09/2013
.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã vinh dự nhận giải thưởng Điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung tại Liên hoan phim Quốc tế Gwangju đang diễn ra tại Hàn Quốc.

 

 Đạo diễn Đặng Nhật Minh
Đạo diễn Đặng Nhật Minh


Nhằm khích lệ các nhà làm phim trên thế giới quan tâm tới những vấn đề nóng hổi của xã hội như nhân quyền, tự do, hòa bình và môi trường tự nhiên, năm 2011 giải thưởng Điện ảnh Nobel Hòa bình Dae-jung được thành lập. Giải thưởng này đã trở thành giải thường niên được trao tại Liên hoan phim Quốc tế Gwangju.

Được biết, tại lễ trao giải ngày 29-08 vừa qua, phu nhân cố Tổng thống Kim Dae-jung, bà Lee Hee-ho, đồng thời là Chủ tịch của Trung tâm Hòa bình Kim Dae-jung đã đích thân tới trao giải cho đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh được báo chí Hàn Quốc khen ngợi là một tên tuổi nổi tiếng trên nền điện ảnh thế giới qua những tác phẩm điện ảnh phản ánh chân thực, giàu sức gợi cảm về người dân lao động, những con người tần tảo, lam lũ của xã hội Việt Nam một thời.

Đặc biệt, những bộ phim của ông làm về đề tài chiến tranh có sức sống lâu bền và luôn được coi như những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Đặng Nhật Minh (sinh năm1938) là đạo diễn nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam với những bộ phim như: Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi... Đặc biệt với phim Bao giờ cho đến tháng mười được nhiều hãng thông tấn đánh giá là một trong những phim hay nhất châu Á mọi thời đại.

Những năm 1980 khi phản ánh chiến tranh vẫn là đề tài chính trong các tác phẩm điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cho ra đời bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười. Không tái hiện cuộc chiến như những nhà làm phim khác thường làm, bộ phim xoáy vào nỗi đau của người phụ nữ có chồng hy sinh nơi chiến trận, rộng hơn là nỗi cô đơn của những người ở lại.
 

Phim Bao giờ cho đến tháng Mười
Phim Bao giờ cho đến tháng Mười



Nhân vật của ông không chỉ buồn khổ mà còn khát khao được yêu thương, nhưng vào thời điểm ấy lại bị cho là sướt mướt, ủy mị, không phù hợp với “chất” tuyên truyền đang được chú trọng thời điểm đó. Trong phim, ông đưa vào chi tiết sáng tạo khá “đắt” cho thấy đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian của người Việt: Duyên tìm gặp lại hồn người chồng đã hy sinh tại chợ âm phủ, nhưng lại bị chỉ trích là “mê tín dị đoan”.

Đến thời kỳ đầu đổi mới, đạo diễn Đặng Nhật Minh làm phim Cô gái trên sông, câu chuyện về sự phản bội của người chiến sĩ nội thành với Nguyệt, cô gái đã giúp đỡ cưu mang mình trong lúc hoạn nạn. Bộ phim được trao giải Bông sen Bạc tại liên hoan phim Việt Nam. Nhưng ngay lúc đó, có ý kiến lên án phim đã làm xấu hình ảnh người chiến sĩ cách mạng. Và dù không bị cấm chiếu, nhưng bộ phim đã không đến được với đông đảo công chúng, cho tới mãi tận sau này.

Cơ duyên giữa đạo diễn Đặng Nhật Minh và Liên hoan phim Quốc tế Gwangju bắt đầu từ năm 2005. Khi đó, những bộ phim nổi tiếng của ông như “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984) vàThương nhớ đồng quê (1995) đã được trình chiếu tại Liên hoan phim Gwangju và được khán giả Hàn Quốc nồng nhiệt đón nhận.

Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh.

 Phim Đừng đốt
Phim Đừng đốt


Năm 2009, phim Đừng đốt do ông đạo diễn nói về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế thường niên lần thứ 19 diễn ra ở Fukuoka, Nhật Bản đã đoạt được giải do khán giả bình chọn.

Một đặc điểm dễ thấy trong phim của ông là dám xoáy vào những góc nhìn khác biệt với xu hướng đương thời, không mô tả không khí thời cuộc mà đi sâu vào những thân phận, những góc khuất, tâm hồn và bản năng của con người, không tô hồng hiện thực mà nhìn thẳng vào những mặt trái của nó không chút e dè. Cũng chính vì lẽ đó mà ông luôn gặp phải những trắc trở trên con đường ông đi.
 

Theo gdtd.vn

 


.