Phim về Phan Bội Châu có thể dự LHP Việt Nam

03:08, 22/08/2013
.

LHP Việt Nam 18 sắp diễn ra tại Quảng Ninh tới đây có thể thu hút được trên dưới 40 phim truyện. Một trường hợp khá đặc biệt là Người cộng sự - bộ phim về Phan Bội Châu, không chiếu rạp mà chỉ làm để chiếu trên truyền hình – có thể tham dự hạng mục Phim truyện (điện ảnh).

TIN LIÊN QUAN

Các giải thưởng điện ảnh Việt xưa nay có hệ thống xét giải dành cho các hạng mục Phim truyện (nhựa và video), Phim tài liệu (nhựa và video), Phim khoa học, Phim hoạt hình và Phim ngắn. Cánh diều Vàng còn có thêm giải cho Phim truyền hình dài tập, còn Bông sen Vàng thì bỏ qua thể loại vốn ít mang yếu tố điện ảnh này.

Phim khoa học không phân loại bởi chỉ có phim khoa học video. Thể loại phim này hầu như không dùng chất liệu phim nhựa 35mm - kinh phí cao hơn nhiều.

Phim ngắn cũng không phân loại bởi hầu như chỉ có phim ngắn video. Trên thực tế, phim ngắn Việt Nam hiện không làm bằng phim nhựa, trừ một số vô cùng hiếm hoi phim như Sân thượng (Nguyễn Hà Phong) và Bi, đừng sợ (Phan Đăng Di) được tài trợ của quỹ Ford trong dự án Master Class 2005.
 

Ảnh minh họa  Người cộng sự (The Partner) dù không chiếu rạp nhưng hoàn toàn có thể dự thi LHP Việt Nam 18 ở hạng mục Phim truyện
Ảnh minh họa Người cộng sự (The Partner) dù không chiếu rạp nhưng hoàn toàn có thể dự thi LHP Việt Nam 18 ở hạng mục Phim truyện

 

Ở phim tài liệu, dù phân tách xét giải (Vàng, Bạc và các giải cá nhân cho đạo diễn, Quay phim) đối với 2 hạng mục Phim tài liệu nhựa và Phim tài liệu video nhưng đa số khán giả không mấy khi để tâm đến sự phân tách này, theo nghĩa công chúng cũng không để ý phân biệt giải của phim tài liệu nhựa với phim tài liệu video.

Trong khi ở thể loại phim truyện, hạng mục Phim truyện nhựa được dồn mọi sự tập trung chú ý, còn hạng mục Phim truyện video (còn được gọi là phim truyền hình ngắn tập) thì thường bị thờ ơ, thậm chí kém tiếng so với cả thể loại phim truyền hình (hay còn gọi là phim truyền hình dài tập).

Trước đây, thời cực thịnh của phim video (những năm 1990), thể loại phim này có một vị trí khác hẳn. Phim video khi đó được chiếu rạp như phim truyện nhựa và cho đến nay rất nhiều phim video vẫn được tưởng (nhắc nhớ) như phim truyện nhựa.

Trong những năm gần đây, với sự xuất hiện của các thiết bị quay kỹ thuật số, ngày càng nhiều phim Việt được thực hiện bằng các phương tiện này, từ những máy quay video kỹ thuật số “rẻ tiền” như Cú và chim se sẻ (2008) đến công nghệ quay phim HD chuyên nghiệp như Chơi vơi (2009), từ quay phim bằng máy chụp ảnh chuyên nghiệp 5D Mark II như Dành cho tháng 6 (2012) đến quay bằng máy kỹ thuật số RED pro như Mùa hè lạnh (2012), từ các bộ phim 3D như Bóng ma học đường (2010), Mỹ nhân kế, Biết chết liền (2013) cho đến những bộ phim quay bằng máy số đời mới như Bụi đời Chợ Lớn, Đường đua, Lửa Phật (2013)...

Với thực tiễn phát triển của lĩnh vực làm phim như thế này, tên gọi hạng mục Phim truyện nhựa cần phải thay đổi cho đúng nghĩa, bởi nhiều bộ phim tranh các giải Cánh diều Vàng, Bông sen Vàng ở hạng mục Phim truyện nhựa không phải là phim truyện nhựa (35 mm) mà là phim kỹ thuật số (quay bằng thiết bị ghi hình kỹ thuật số). Có thể là hạng mục Phim truyện điện ảnh hoặc hạng mục Phim điện ảnh, hay ngắn gọn hơn là hạng mục Phim truyện là đủ để phân biệt với một thể loại khác tính chất là Phim truyền hình (Mặc dù cũng có nhiều phim truyền hình có chất lượng không kém phim truyện).

Phim truyền hình hiện nay hầu hết là phim truyền hình dài tập, mà ngày càng theo lối chuyện hình. Hầu như không còn đài truyền hình nào phát sóng phim truyền hình ngắn tập, tức là phim truyện video.

Những phim video hiện thực và sâu sắc như Tôi vào đời (Nguyễn Quốc Hưng), sáng tạo đến đột phá như Chuột (Vũ Ngọc Đãng), chỉn chu và chất lượng như Giữa dòng (Mỹ Hà), giản dị và tinh tế như Cầu thang tối (Đào Bá Sơn), rung động và đầy hơi thở như Cỏ dại (Đinh Đức Liêm) của TFS hay những phim video duyên dáng và đáng nhớ như Hoa đào ngày Tết (Nguyễn Xuân Sơn), tỉnh táo và hiện đại như Nhà có 3 chị em (Đỗ Thanh Hải), gần gũi và dễ cảm như Của để dành (Đỗ Thanh Hải), thu hút và ấn tượng như Xin hãy tin em (Đỗ Thanh Hải), chân thực và dễ thương như 12A và 4H (Bùi Thạc Chuyên) của VFC nếu được làm bằng phim nhựa hoàn toàn có thể trở thành những tác phẩm đáng nhớ trong chiều dài điện ảnh Việt. Đặc biệt những Tôi vào đời, Chuột đầu tư thêm chút có thể thành kinh điển hay những Cỏ dại, Hoa đào ngày Tết có thể gây bão lòng trong giới trẻ theo lối của những Before sunrise với Before sunset.

Phim video ngày càng mất dấu. Hiện nay vẫn có một số đơn vị sản xuất thể loại này như Điện ảnh Quân đội - hãng phim này hầu như không đủ tiền (?!) làm phim nhựa nên nhiều dự án phim 90 phút đều được thực hiện bằng phim video. Và cũng trở thành đơn vị thường nắm giải ở hạng mục Phim truyện video.

Ở LHP Việt Nam 17 tại Phú Yên năm 2011, hạng mục Phim video chỉ có vỏn vẹn 3 phim dự thi và kết quả chẳng còn ấn tượng là phim nào hay đạo diễn nào đoạt giải. Còn ở Cánh diều Vàng 2013 vừa qua hạng mục này đã hoàn toàn biến mất, có lẽ bởi không có tác phẩm phim video nào (ra đời để mà) đăng ký tham gia.

Mới đây, VTV công bố dự án hợp tác với một đài truyền hình Nhật Bản thực hiện bộ phim Người cộng sự (The Partner) về Phan Bội Châu. Bộ phim dài 120 phút này sẽ lên sóng truyền hình cả 2 nước vào tháng 9 tới. Dù không được chiếu rạp nhưng đây chính xác là một phim điện ảnh. Và với thời gian công chiếu trong khoảng thời gian quy định nhận tác phẩm dự thi của LHP Việt Nam 18 (1/10/2011 đến 15/9/2013), bộ phim này hoàn toàn có thể tham gia tranh Bông sen Vàng.

 

Theo Lam Giang/VnMedia

 


.