Những phong tục lạ giữa đại ngàn Tây Nguyên

06:08, 27/08/2013
.

(QNg)- Ở dọc đường Đông Trường Sơn, các làng bản đồng bào thiểu số giáp biên giới Lào còn nhiều phong tục lạ, độc đáo. Có cái là hủ tục, nhưng có cái là bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo không ở đâu có được của người vùng Tây Nguyên.

TIN LIÊN QUAN

*Cõng củi theo chồng

Đồng bào Giẻ - Striêng, Giẻ-Mơ Nông cùng một số đồng bào thiểu số sống cận kề có tục: Sau khi làm lễ ăn hỏi, con gái phải đi chặt mấy trăm bó củi dẻ và xà nu, rồi cõng sang cho nhà chồng, sau đó lễ cưới mới diễn ra. Đây là “củi hứa hôn” duy trì đến hôm nay, dù phải mất nhiều công sức, nhiều tiền, nhưng gia đình nhà gái nào cũng kiếm đủ củi theo phong tục xưa nay đồng bào mình để lại.

 

 A Biên và “núi” 400 bó củi của vợ Y Thuế.
A Biên và “núi” 400 bó củi của vợ Y Thuế.


Trước khi vào làng Đăk Glei, Phó bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei (Kon Tum), anh A Nhảy bảo với tôi: “Mày cứ thấy nhà nào củi chặt bằng phẳng, chất cao thành… núi, là nhà đó có con gái mang củi hứa hôn từ rừng về…”. Nghe lời A Nhảy, chúng tôi vào cái làng đã được chỉ điểm. Cái gò cao rộng thoáng giữa làng Đăk Glei có cái khung của rạp đám cưới chưa dỡ hết. Bên cạnh đó, một đống củi chất cao ngất, phải với tay lên hết cỡ cũng không đến đỉnh. Một trai làng tên A Điểm bảo: “Củi của con Y Ngời đấy, 400 bó chứ đâu có ít”. Quan sát từng bó củi thì thấy mỗi bó là một thân cây dẻ chẻ ra làm ba, làm bốn. Hai đầu bó củi phẳng phiu rất đẹp. Chỉ một góc để hàng chục bó củi khô, màu đo đỏ thơm mùi nhựa, A Điểm bảo đó là củi xà nu đỏ, “lễ vật” không thể thiếu trong hàng trăm bó củi “cõng theo chồng” của các cô gái xứ này.

Hôm ấy, trời mưa lớn hạt, chúng tôi không quay về huyện Đăk Glei được nên ở lại làng Đăk Glei. Đêm bên bếp lửa bập bùng, vừa hút rượu ghè, vừa nghe trai làng kể chuyện được… vợ cưới. A Biên, lớn lên không đẹp trai nhưng có duyên, lại siêng năng nên được con Y Thuế “bắt” về làm chồng. Ba bốn tháng trước cưới nhau, Y Thuế cõng cho nhà A Biên 300 bó củi hứa hôn, trong đó có 30 bó củi xà nu đỏ. “Cả họ hàng nhà Y Thuế phải mất cả tuần mới kiếm đủ củi đấy. Củi giờ phải vào rừng, nhưng không chặt cây bừa bãi, mà lựa cây khô, nếu không bị tội phá rừng. Xà nu lại khó tìm hơn nữa, phải mất tiền mới có”, A Biên kể chuyện.

Đi vào các bản làng, hay dọc đường Đông Trường Sơn, thấy nhà nào củi nhiều là nhà có đông con gái, nhà nào có nhiều gùi là nhà có đông con trai.

*Vạ… làng

Trai, gái yêu nhau, hoặc thanh niên lạ đến làng, người Gia Rai ở Tây Nguyên đều cho phép ngủ chung với… gái làng. Thế nhưng, nếu ai “vượt qua vùng cấm”, làm chửa hoang, có con trước ngày cưới, sẽ bị làng phạt vạ “rát da”. Nhiều người lạ đến đây, không biết tục này, bị làng bắt vạ nhưng không có tiền nộp phạt, đành vĩnh viễn làm người làng…

Chủ tịch UBND xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) Phạm Văn Đếm quê ở xã Ba Dinh (Ba Tơ), từng tốt nghiệp ngành sư phạm đi dạy, sau đó bỏ nghề lội rừng thâm sơn cùng cốc đi tìm trầm. Cuối cùng số phận run rủi lại định cư  tại làng Chứ, xã Ya Ly. “Có phải anh cũng bị “phong tục” mà cưới vợ làng Chớ này”?. Đếm không giải thích, chỉ nói gọn: “yêu nhau ấy mà…”. Nhấp ngụm chè đắng, Chủ tịch Đếm kể, mấy mươi năm “làm rể” tại làng người Gia Rai ở đây, anh chứng kiến rất nhiều cảnh làng phạt vạ trai gái quan hệ bất chính với nhau. Điển hình nhất là cách đây khoảng 5 năm, thằng Y Brêr đã có vợ là A Dảo, có nhà cửa ở làng Chứ. Vậy mà một lần sang làng bên uống rượu, ma xui quỷ khiến, thằng Y Brêr lại yêu con gái làng này. Thế là nó bỏ vợ A Dảo theo gái không về.

Làng Chứ vào cuộc và bắt quả tang thằng Y Brêr dan díu bên ngoài, đưa về làng phạt vạ. Vạ ban đầu cho cả làng ăn, uống rượu tại nhà rông là con gà trắng, con heo trắng, con dê trắng và cuối cùng là con trâu trắng hết lớn. Sau đó còn kèm theo hàng trăm triệu đồng, nhưng thằng Y Brêr không có tiền, đành để lại mảnh đất và căn nhà sát mặt đường lớn (khoảng 150 triệu đồng) cho mẹ con A Dảo rồi bỏ làng đi mãi đến bây giờ không ai biết. “Thiệt ra, tiền phạt vạ này chính là để nuôi đứa con thôi”, Chủ tịch Đếm giải thích.

Đến hôm nay, vạ làng ấy vẫn còn, nhưng có biến tướng ít nhiều. Trưởng Công an xã Ya Ly (Sa Thầy-Kon Tum) A Chớ bảo, có người Kinh bị phạt vạ, có khi mua trâu trắng không được, đành mua trâu đen rồi… sơn trắng, sau đó dắt về cho làng ăn vạ.  

*Báu vật của người Hà Lăng

Người Hà Lăng làng Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei (Kon Tum) ngày xưa sống giữa rừng, lấy vỏ cây làm quần áo để mặc ấm, vừa làm “áo giáp” để chiến đấu chống lại kẻ thù, hay chinh phạt tìm chiến lợi phẩm, lương thực. Ngày nay người Hà Lăng vẫn còn giữ quần áo vỏ cây hàng trăm năm này, xem như báu vật, biểu tượng của dân tộc mình, dù ngàn vàng cũng không hề bán…

 

 Người Hà Lăng mặc trang phục áo vỏ cây biểu diễn cồng chiêng tại Đại hội DTTS tỉnh Kon Tum.
Người Hà Lăng mặc trang phục áo vỏ cây biểu diễn cồng chiêng tại Đại hội DTTS tỉnh Kon Tum.


Chúng tôi về làng Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, hỏi người Hà Lăng về quần áo bằng vỏ cây, bà con bảo: “ô, nó quý như thân thể mỗi người Hà Lăng. Dù người có mất đi, nhưng đồ này không bao giờ mất”. Trưởng thôn Đăk Ôn - A Xen cho biết, để có được các tấm áo vỏ cây này, thế hệ ông cha mình phải đi xa hàng chục cây số, vào tận mãi rừng sâu để tìm cho được cây Loong Phoong to cỡ bằng bắp chân, sau đó, chặt cây thành từng khúc dài khoảng 1,5 đến 2 mét, bóc lớp vỏ bên ngoài rồi dùng dao lột lấy lớp lụa giữa phần thân cây và vỏ, ngâm lớp lụa dưới dòng suối hoặc trong xoong to khoảng 2 tháng. Khi vớt ra, dùng chày răng cưa đập nhuyễn vỏ cây Loong Phoong rồi phơi khô trong bóng râm. Công đoạn tiếp theo là tách vỏ cây này thành từng cọng nhỏ, se thành sợi dệt tấm áo. Công đoạn tìm chỉ La Plâh để may quần áo vỏ cây này cũng rất khó, vì loại dây này vừa trơn vừa chắc nhưng lại rất hiếm, rất khó khăn mới tìm được.  

Trưởng thôn A Xen kể: “Mình nghe ông cố kể lại, trước đây giữa bộ tộc mình với bộ tộc khác, có sự tranh giành đất đai, nhờ các tấm áo vỏ cây này mà dân làng mình luôn giành phần thắng. Khi mặc tấm áo này vào, gươm, dao chặt khó đứt...


 Trong số 12 bộ trang phục bằng vỏ cây hàng trăm năm tuổi gần như còn nguyên vẹn của người Hà Lăng ở làng Đăk Ôn đang gìn giữ, có 10 bộ dành cho người trưởng thành và 2 bộ dành cho thiếu niên. Ông A Xen-cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, ông cố của tôi đã dặn dò con cháu phải cất giữ các bộ trang phục cẩn thận, đây là báu vật, là tài sản quý giá của tộc người Hà Lăng. Do vậy, nhiều người từ nơi xa đến đây gạ bán, đổi con trâu, con bò, song, tôi quyết không bán. Bây giờ nhiều người giàu biết làng có đồ này đến gạ mua. Tôi bảo: Ngàn vàng không đổi. Thế là họ về”. A Xen khoe: “Tấm áo này chỉ được đồng bào mình mặc, sử dụng trong các nghi lễ trọng đại của dân tộc như mừng nhà rông mới, mừng lúa mới…”.  

“Cả làng Đăk Ôn có 100 hộ,  515 khẩu, song không còn người biết dệt tấm áo vỏ cây này…” - A Xen nói.


Phạm Anh
 


.