Nghệ nhân Đinh Ngọc Su- người thổi hồn cho đất

10:07, 13/07/2013
.

(QNĐT)- Ông không chỉ là người đã có công phục hồi lại sáo Tà-vỗ, một loại nhạc cụ độc đáo cổ xưa của người Hrê, mà nhiều năm qua, ông đã có công gìn giữ, giới thiệu, làm sống dậy giai điệu độc đáo của loại nhạc cụ có một không hai này.
 
Ông đã được nhiều triều mến gọi với cái tên “người vắt đất ra nhạc”, rồi người “thổi hồn cho đất”… Ông cũng đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”. Ông chính là nghệ nhân Đinh Ngọc Su, ở làng Tà-Pa, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà.

Tôi đã được gặp ông Đinh Ngọc Su vài lần, và mỗi lần gặp tôi đều được nghe ông thổi nhạc cụ Tà-vỗ. Thế nhưng cái lạ, mỗi lần nghe ông nghe ông thổi nhạc cụ độc đáo này, tôi vẫn cứ thích thú. Cảm nhận của tôi cũng giống như bao người khi gặp được ông và may mắn được nghe ông thổi  Tà-vỗ.

Mới đây tại lễ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” do Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tổ chức, ông Đinh Ngọc Su cũng đã khiến cho hàng trăm đại biểu trầm trồ và  “ngất ngây” khi ông biểu diễn những giai điệu nhạc với chiếc sáo Tà-vỗ bằng đất sét như quả trứng vịt này.

 

Nghệ nhân Đinh Ngọc Su biểu diễn nhạc cụ Tà-vỗ
Nghệ nhân Đinh Ngọc Su biểu diễn nhạc cụ Tà-vỗ


Ông Đinh Ngọc Su kể: Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, nơi luôn có giai điệu âm thanh réo rắt, nhộn nhịp như mời gọi bạn đến nhà. Ngay từ lúc còn bé, tôi đã say mê, thích thú với những làn điệu dân ca của quê hương, những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Tôi được cha mẹ truyền dạy cách biểu diễn các loại nhạc cụ của người Hrê, được nghe các lớp cha anh biểu diễn các loại đàn akhung, port, krau, vút…

Với niềm say mê bất tận như ăn vào máu thịt từ lúc bé, nên ông đã giành nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu và chế tác những nhạc cụ truyền thống. Và chính ông là người đã có công phục hồi lại sáo Tà-vỗ, một loại nhạc cụ độc đáo cổ xưa của người Hrê mà thời gian đã bị mai một. Niềm đam mê và những ước vọng của ông đã trở thành hiện thực.

Ông nói, trong các nhạc cụ truyền thống của quê hương ông thì Tà-vỗ là nhạc cụ nhìn vào tưởng đơn giản, những nó rất khó. Khó là bởi, để làm được nó và bắt nó phát ra nhạc thì người thổi phải có tâm, phải “gửi hồn” vào trong nhạc cụ.

Nhạc cụ Ta-vỗ được làm bằng đất sét, trước tiên đất sét được nhồi nhuyễn, sau đó nắn thành hình như quả cau, to bằng trứng vịt, cắt thành 2 mảnh, dùng dao hoặc cây nhọn khoét rỗng ruột sau đó hai mãnh đất áp lại, khoét một lỗ thổi, một lỗ thông hơi và ba lỗ điều chỉnh âm tiết cao thấp theo ý đồ của người thổi, sau đó đưa ra phơi nắng nhiều ngày. Nếu muốn cho nhạc cụ này đẹp hơn thì có thể sơn màu tùy theo ý thích của người thổi.

Nghệ nhân Đinh Ngọc Su cho biết ông biểu diễn dường như thành thục hầu như tất cả các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hrê như đàn a khung, krâu, vút, ngói... Thế nhưng nhạc cụ Tà-vỗ đã gắn bó với ông như số mệnh, cùng với ông  đi nhiều nơi và chắc chắn sẽ còn đi đến tận cùng cuộc đời.

Ông nói, từ trước đến nay qua biết bao lần tham gia hội diễn hoặc liên hoan âm nhạc từ cấp huyện đến cấp quốc gia, và quốc tế lần nào ông cũng nhận được giải thưởng. Song với ông, ấn tượng nhất là được được sang giao lưu với Đoàn nghệ thuật JeIu- Hàn Quốc, rồi được cử đi giao lưu âm nhạc với Đoàn Văn hoá nghệ thuật dân gian Thụy Điển tại Hà Nội. Mỗi lần giao lưu như thế, ông đều chinh phục trái tim người nghe và được các bạn bè quốc tế khen ngợi.  “Mình đem văn hóa, nhạc cụ truyền thống của quê hương, đất nước mình giao lưu với bạn bè quốc tế để họ biết văn hóa của mình là điều có gì bằng”- Ông chia sẻ.

Khi tôi hỏi, thế điều ông lo nhất hiện nay là gì, thì ông Đinh Ngọc Su tâm sự: Tôi sợ nhất là những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hrê bị mai một và sẽ bị thất truyền, nếu chúng ta không bảo tồn, giữ gìn và phát huy, truyền dạy cho con cháu ngay từ lúc này. Chính vì lẽ đó, những năm qua, không chỉ phục hồi, chế tác, biểu diễn nhạc cụ Tà-vỗ, mà ông còn tâm huyết truyền dạy lại cho lũ trẻ trong làng. Ông còn nhận lời đến với các em học sinh ở các trường học xã Sơn Thượng để giới thiệu, truyền lại cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Hrê. Và đến nay đã có hàng chục em học sinh biết chế tác, sử dụng và biểu diễn các loại nhạc cụ, nhất là  nhạc cụ Tà-vỗ một cách thành thục.

 

Bài, ảnh: M.Toàn

 


.