Học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì?

09:06, 02/06/2013
.

(QNg)- Gần đây Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản cuốn sách “Học Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta học gì?” của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đây là những bài viết của cố Thủ tướng trong các cuộc hội thảo, ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ từ mấy chục năm trước.

Nội dung cuốn sách nêu lên nhiều vấn đề về cuộc đời hoạt động, sự nghiệp cách mạng của Bác đối với Tổ quốc, dân tộc. Cho ra đời cuốn sách nhỏ này, những người sưu tầm và nhà xuất bản muốn cán bộ, đảng viên hiểu sâu hơn về tấm gương, đạo đức Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Đồng thời tiếp tục cung cấp những tài liệu có giá trị phục vụ việc “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những người học trò xuất sắc nhất, gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người trong cuộc nên những nhận xét và đánh giá của cố Thủ tướng sẽ làm rõ hơn giá trị của một con người mà nhân dân cả nước, bạn bè trên thế giới luôn mến mộ và khâm phục.

Cố Thủ tướng đã đi sâu phân tích học gì ở Hồ Chủ tịch? Đó là những nội dung học trung với nước, hiếu với dân, học đoàn kết toàn dân, học phấn đấu, học lý thuyết, phương pháp khoa học, học cần, kiệm, liêm chính, học quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng….

Trong khuôn khổ bài báo này người viết xin nêu chỉ một nội dung đó là học về “những đạo đức cao thượng của Hồ Chủ tịch”. Đây là vấn đề khá rộng, thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực nhưng theo đánh giá của cố Thủ tướng thì cuộc đời của Hồ Chủ tịch là tấm gương về đạo đức cách mạng, thắng không kiêu, bại không nản, một lòng kiên trì đấu tranh cho độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Lòng tin của Hồ Chủ tịch vào thắng lợi của cách mạng là lòng tin vô hạn vào khả năng cách mạng to lớn của nhân dân. Hồ Chủ tịch thường nói: “Có lòng yêu nước thì việc gì cũng làm được hoặc miễn là bền gan vững chí thì nhất định sẽ thành công”. Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh cách mạng là gian khổ là hy sinh, sẵn sàng chịu đựng tất cả vì sự nghiệp lớn, vì lợi ích của nhân dân, vì Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Hồ Chủ tịch luôn nhắc nhở chúng ta phải luôn chống chủ nghĩa cá nhân là để trở thành một chiến sĩ cách mạng dũng cảm và kiên cường, là để đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung của Tổ quốc và nhân dân.

Điều rất quan trọng là phải học và làm nổi bật ở Hồ Chủ tịch sự nhất quán giữa hoạt động chính trị với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc từ việc rất lớn là cứu nước, cứu dân, đến việc rất nhỏ như trồng cây trong vườn, viết thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu thiếu nhi miền Nam, đi thăm nhà tập thể công nhân… Trong đời sống của mình việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp.

Suốt đời Bác chăm lo phát hiện, bồi dưỡng phát huy người tốt việc tốt, đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng. Bác chú trọng nâng cao chất lượng của Đảng và mỗi đảng viên, nhắc nhở đảng viên phải xung phong gương mẫu, coi trọng công tác giáo dục và huấn luyện đảng viên, Bác thường dạy phải thực hiện “ Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Trong Di chúc Bác căn dặn cán bộ đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Cố Thủ tướng nhấn mạnh tất cả chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm trong bộ máy Đảng, Nhà nước các cấp cần phải quyết tâm thực hiện vì ngoài lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Bác thường nói “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa ”, con người đó trước hết là một chiến sĩ cách mạng kiên cường bất khuất, một lòng, một dạ phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, theo Cố Thủ tướng cần có nội dung thiết thực, cụ thể, được tiến hành thường xuyên, liên tục trong Đảng và trong các tầng lớp nhân dân.
 

VŨ TÙNG VI
 


.