Phật “móng đỏ môi hồng”

09:04, 11/04/2013
.

* Thanh Thảo


(QNĐT)- Trong bài văn tả cảnh “Theo mẹ lên chùa”, một em học sinh lớp 3 ở Hà Nội viết: “ Hôm qua mẹ dẫn em lên chùa Đậu. Ở đó, em thấy hai ông tượng Phật sơn móng tay móng chân đỏ với tô môi son giống như mẹ em”.

TIN LIÊN QUAN


Tôi nghĩ, cô giáo có thể bị choáng với bài văn tả cảnh này. Không hẳn vì bài văn hay, tả thực, mà vì “hai ông Phật sơn móng tay móng chân đỏ với tô môi son” giống… mẹ em!. Cô giáo chợt giật mình: Giống cả mình nữa, vì mình đến lớp bao giờ cũng có trang điểm chút ít.


Cứ tưởng tượng xem, khi em học sinh kia lớn lên, có nhiều dịp đi viếng thăm những ngôi chùa trong và ngoài nước, liệu em có ngạc nhiên nếu thấy những pho tượng La Hán hay tượng Phật ở các ngôi chùa ấy không có móng tay móng chân và đôi môi sơn đỏ? Nhớ lại những pho tượng La Hán ở chùa Đậu mình thấy lúc còn học lớp 3, em sẽ nghĩ gì?

Theo GS Trần Lâm Biền, việc sơn móng tay móng chân đỏ hay tô son môi cho tượng như vậy không thể chấp nhận được. Bây giờ, người ta hay có xu hướng “cập nhật hóa”. Thấy cái gì người đương đại cho là đẹp, hay dùng, thì cứ thế áp dụng luôn cho người trung đại hay cổ đại, thậm chí áp dụng luôn cho Thần Phật, vì “Cái Đẹp là phổ quát, vĩnh cửu”.

Nếu chỉ nghĩ như vậy, thì đó là sự thiếu hụt hay lệch chuẩn văn hóa. Nhưng một khi đã “đưa vào thực tế” những ý tưởng ấy, thì nó là sự phá hoại văn hóa. Trùng tu hay phục chế một ngôi chùa, những pho tượng Phật là chuyện lớn. Nó gồm cả mặt tâm linh, lịch sử, và văn hóa. Vì thế, tiêu chí lớn nhất của trùng tu là phải khôi phục lại đúng nguyên trạng.

Chắc chắn, những pho tượng La Hán chùa Đậu thuở xưa không hề có chuyện sơn móng chân móng tay đỏ hay tô son môi. Cũng như trước mỗi ngôi chùa Việt xưa không hề có đôi sư tử đá kiểu Tàu. Bây giờ, thường có chuyện là nhà chùa kêu gọi “xã hội hóa” trong việc trùng tu. Và nhiều nhà hảo tâm đã vô tư cung hiến những con sư tử đá kiểu Tàu đang được bán nhan nhản cho chùa “làm đẹp”. Và có thể, chính họ có “sáng kiến” đề xuất với chùa là nên tô môi sơn móng chân móng tay đỏ cho tượng thêm phần “lộng lẫy”.

Điều đáng buồn, là Bộ VHTTDL thì ở xa, còn nhà chùa thì vì nể các nhà đầu tư hảo tâm nên đã vô tư đồng ý. Kết quả là có bài văn của em học sinh lớp 3 “Theo mẹ lên chùa”.

Nhưng người ta cũng có thể hỏi lại: Có chăng, Bộ VHTTDL khuyến khích tổ chức những lễ hội kiểu “Khai ấn đền Trần”, hay thờ ơ vô cảm trước những “hành động kỳ quặc” của những người đi lễ hội khi họ nhét tiền lẻ vào… miệng Phật, dán tiền lẻ khắp thân mình Phật, vãi tiền lẻ khắp sân đền chùa để… cầu may.

Người mình hay có câu “Làm thinh là đồng ý”. Không biết Bộ VHTTDL có đồng ý với tất cả những việc làm quấy quá như thế đang diễn ra ở rất nhiều di tích lịch sử tâm linh văn hóa trong cả nước, nhất là ở phía Bắc?   
 


.