Đưa lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia:
Vẫn giữ cái gốc của lễ hội

10:04, 21/04/2013
.

(QNg)- Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện Lý Sơn để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội này.

 

TIN LIÊN QUAN


MỘT LỄ HỘI ĐẶC BIỆT

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ hội đặc biệt, ngay tên gọi của nó cũng đã khác với những lễ hội mà ta thường gặp ở các vùng ven biển miền Trung. Tên của lễ hội, thoạt nghe, không phải ai cũng cảm nhận được mà phải “nhập cuộc” với lễ, phải “sống” trọn vẹn với không khí của lễ thì mới hiểu được ngọn nguồn.

 

Quang cảnh Lễ khao lề Thế lính Hoàng Sa.
Quang cảnh Lễ khao lề Thế lính Hoàng Sa.


Kể từ khi trấn nhậm phương Nam, các triều đại phong kiến nhà Nguyễn đã nhắm đến Hoàng Sa như một điểm tựa trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những gì thu lượm được qua các cuộc thám hiểm của ngư dân vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi ra “dải cát vàng” này đã giúp cho các vị vua sớm nhận ra giá trị kinh tế lẫn chiến lược quân sự ở quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, vừa mở mang bờ cõi về phương Nam, cha ông ta cũng vừa cho người ra Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc chủ quyền.

Hằng năm, cứ đến mùa biển lặng vào khoảng tháng 2-3 âm lịch, nhận lệnh của triều đình, một đội binh phu gồm 70 người là những tay chèo cự phách, từng trải sóng gió được thành lập để lên đường ra Hoàng Sa. Họ đi trên những chiếc thuyền câu được thiết kế đặc biệt. Lương thảo được chuẩn bị cho 6 tháng ăn. Cùng với lương thảo là những vật dụng dành cho “hậu sự” như dây mây, chiếu cói và thẻ bài được khắc tên từng người, phòng khi chẳng may gặp nạn trên biển, những binh phu xấu số sẽ được bó vào chiếu và thả xuống biển với hy vọng xác của người xấu số được dạt vào đất liền, nhìn thẻ bài được buộc vào thi thể, người dân có thể đoán được nhân thân của họ. Động thái này chỉ mang lại một chút hy vọng mỏng manh cho những người thân, vì thường là những trường hợp tử nạn ấy đều mất xác. Hàng trăm ngôi mộ gió tồn tại mấy trăm năm qua tại Lý Sơn đã nói lên điều đó. Câu ca “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về” đã phản ảnh tất cả sự khắc nghiệt của những chuyến hải hành hằng năm của các đội binh phu.

Để trấn an cho những binh phu một đi không trở lại ấy, người dân Lý Sơn tổ chức một buổi lễ, gọi là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ này vừa “khao quân” trước khi đội “Hùng binh Hoàng Sa” lên đường nhưng cũng là dịp để các thầy phù thủy trên đảo “lên dây cót” cho quân sĩ bằng những lễ thức đậm chất liêu trai. Gọi “thế lính” cũng đúng mà “tế lính” cũng không sai. “Tế” là lễ tưởng niệm những binh phu đã hy sinh trong lúc ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ trước đó; còn “thế” là bắt các hình nhân chết thế cho những người sắp lên đường. Các thầy phù thủy đã làm những con thuyền tượng trưng, trên thuyền là những hình nhân, mỗi hình nhân tương ứng với một người lính sắp ra Hoàng Sa. Thầy phù thủy đã “yểm” tất cả những bất trắc dọc đường vào các hình nhân này, nghĩa là các binh phu cứ yên tâm lên đường vì đã có “hình nhân” kia thế mạng mình rồi.

Lễ Khao lề độc đáo ở chỗ, thoạt nghe qua hoặc trực tiếp chứng kiến thì có vẻ như mê tín dị đoan, nhưng những người tổ chức lễ đã ký thác vào đó tất cả những kỳ vọng về sự an toàn cho mỗi chuyến hải hành của đội binh phu (nếu là “thế lính”). Đó cũng là sự tri ân đối với các bậc tiền nhân đã hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia (nếu là “tế lính”). Một buổi lễ nói được cả hai nghĩa, mà xét ở nghĩa nào cũng là một tình yêu và trách nhiệm công dân đối với cương vực của Tổ quốc. Lễ còn là dịp để các bô lão ôn lại cho con cháu nhớ về cội nguồn xa xưa với những tập tục đặc trưng của cư dân ven biển từ thuở ông bà đi mở cõi. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường là vì những lẽ đó.

VẪN GIỮ CÁI GỐC CỦA LỄ HỘI

Do được cắm rễ trong dân, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã duy trì hàng trăm năm nay, bất chấp những biến thiên của thời cuộc và những khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió mà người dân đảo Lý Sơn đã phải đương đầu. “Liệu có biến tướng không khi lễ này được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia?”.

 

Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, người đã “theo đuổi” lễ hội này từ 20 năm qua, lý giải: “Đưa lễ này vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia không có nghĩa là chúng ta “nâng cấp” Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa lên một bậc về tính quy mô mà mục đích là để nhắc nhở và in đậm thêm trong tâm trí của mỗi người về một lễ hội cần phải được bảo tồn”. Ông Vũ cho biết thêm: “Đối với Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, chúng tôi không “hành chính hóa” mà để cho dân Lý Sơn tự tổ chức như lâu nay. Đưa lễ này vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia là để cho các cơ quan quản lý nhà nước lưu tâm hơn trong việc duy trì và phát huy các giá trị từ vật thể đến phi vật thể liên quan đến Lễ Khao lề trên đảo Lý Sơn và các nơi khác. Đó là cơ sở để cho việc hỗ trợ về vật chất (nếu có) sẽ thuận lợi hơn khi người dân cần một khoản kinh phí nào đó để tổ chức lễ hay duy tu tôn tạo các di tích liên quan đến Hoàng Sa”.

Không phải đợi đến lúc được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ Khao lề mới thu hút sự chú ý của đông đảo người dân khắp nơi trên đất nước. Năm nay, lễ diễn ra trong 2 ngày (27 và 28/4). Thế nhưng, ngay từ đầu tháng, hàng chục đoàn khách tham quan, đăng ký dự lễ đã đặt kín chỗ tất cả các phòng nghỉ và khách sạn trên đảo, đủ biết “lực hút” của lễ hội này đến nhường nào. Ra Lý Sơn, du khách không chỉ biết thêm về một hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi từng chứng kiến những cuộc chinh phục Hoàng Sa của cha ông ta từ hàng trăm năm trước mà còn được nhập vào không khí của một lễ hội có một không hai trên đất nước mình. Nhập vào lễ hội để được nghe vọng về hai tiếng Hoàng Sa với tất cả những bi hùng mà tiền nhân đã nếm trải.

TRẦN ĐĂNG

 


.