Tiếng Guitar bên đài tưởng niệm Bình Hòa

10:03, 17/03/2013
.

(QNg)- Tiếng đàn ấy không phải là tuyệt đỉnh của nghệ thuật nhưng khi nghe những giai điệu ngân lên từ phím đàn nhiều người cứ day dứt mãi không nguôi. Tiếng đàn ấy với nốt trầm, nốt bổng như chính cuộc đời, số phận của người chơi đàn - "nghệ sĩ mù" Đoàn Nghĩa, nạn nhân còn sống sót sau vụ thảm sát Bình Hòa năm 1966.

Chiều tà, chúng tôi cùng đoàn nhà văn Hàn Quốc về xã Bình Hòa (Bình Sơn) tìm nhà anh Nghĩa. Căn nhà nhỏ nằm trên trục đường liên xã cách đài tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Bình Hòa vài trăm mét là nơi vợ chồng anh Nghĩa sinh sống. Anh Nghĩa vừa đi bán tăm tre về, đang tiếp tục loay hoay cột những chiếc lồng gà đan bằng tre lên chiếc xe đạp cũ giúp vợ ngày mai đưa "hàng" ra chợ. Đón khách bằng nụ cười hiền, anh Nghĩa bảo: "Mỗi người một việc, cố mưu sinh kiếm tiền nuôi hai đứa nhỏ ăn học. Phận mình tuy mù nhưng vẫn còn sống sót, may mắn hơn hàng trăm dân thường khác đã vĩnh viễn ra đi sau vụ thảm sát năm 1966".

"Nghệ sĩ mù" Đoàn Nghĩa đàn hát với cây đàn guitar bên người vợ Hà Thị Lịch. Ảnh: T.N


Nhà anh đơn sơ, nhưng rộn tiếng nói cười của những người hàng xóm đến thăm chơi và chờ đợi thưởng thức tiếng đàn guirta của người "nghệ sĩ mù" Đoàn Nghĩa - biệt danh thân mật mà hàng xóm đặt cho anh. Anh Nghĩa bảo: "Tôi biết chơi đàn từ khi nào cũng không nhớ nữa chỉ biết rằng nhờ cây đàn này mà tôi lạc quan để sống". Anh chơi đàn nhưng chưa một lần nhìn thấy phím, chưa đọc được nốt nhạc thế mà âm thanh từ những dây đàn vẫn rất ngân nga, bay bổng, có chút day dứt, nhớ thương rất riêng của mình.
 

Vợ chồng anh Nghĩa hiện có hai con, con trai lớn tên Bình học Trường cao đẳng công nghệ thông tin Việt - Hàn tại Đà Nẵng; con gái út tên Yên học lớp 10 trường THPT Bình Sơn. Hai cái tên Bình - Yên cũng là thông điệp sống của người "nghệ sĩ mù", nạn nhân còn sống sót sau vụ thảm sát Bình Hòa.

Anh đàn, vợ anh chị Hà Thị Lịch hát theo. Tình cảm, tự tin, da diết như chính những ân tình mà họ đã dành cho nhau, dìu nhau đi trong cuộc đời này. Chị Lịch bảo: "Cũng chỉ tại tôi mê tiếng đàn của anh từ thuở trước mà sắt son ước hẹn cùng anh". Buổi sáng đẹp trời ngày 3/12/1966, khi ấy anh Nghĩa mới 6 tháng tuổi được mẹ bế đi làm đồng. Bất ngờ bị quân Nam Triều Tiên sát hại cùng hàng trăm dân thường khác. Người mẹ ấy đã lấy thân mình che chở cho con và vì thế Nghĩa vẫn còn sống sót.

Thế nhưng do nằm dưới bùn non và máu cả ngày nên đôi mắt của Nghĩa đã bị mù vào cái ngày mất mẹ ấy. Một năm sau, ba Nghĩa hy sinh ngoài mặt trận. Bà con lối xóm đã cưu mang Nghĩa cho đến năm anh 15 tuổi thì anh "ra riêng" dựng căn chòi nhỏ tự mưu sinh bằng nghề bán tăm tre kiếm sống. Ngày đi bán tăm, đêm về tự mày mò học đàn. Anh tìm đến với đàn như tìm một người tri kỷ trút tâm sự. Nhờ tiếng đàn này mà anh có niềm tin vào cuộc sống, có thêm bạn bè, có người vợ hiền hiểu anh, trọng anh và vì anh hết mực.

Và cũng chính cây đàn guitar ấy, anh Nghĩa đã gảy lên ngàn vạn âm thanh cho những người Hàn Quốc đến thăm lại nơi quân đội mình đã thảm sát dân thường Bình Hòa nghe. Nghe để day dứt, nghe để hành động hòa bình. Mỗi lần dạo đàn như thế, nỗi đau, hận thù dần nguôi ngoai bởi anh hiểu rằng chiến tranh đã lùi xa, rộng lòng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.


Thanh Nhị

 


.