Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

03:03, 17/03/2013
.

Tối 16-3, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh), chương trình nghệ thuật “Về miền quan họ năm 2013”, một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đã được tổ chức.
 

Tranh dân gian Đông Hồ miêu tả trò chơi Bịt mắt bắt dê.
Tranh dân gian Đông Hồ miêu tả trò chơi Bịt mắt bắt dê.



Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tồn tại từ thế kỷ XVI, phát triển rực rỡ vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Đến nay, do cơ chế thị trường khiến dòng tranh dân gian Đông Hồ đang bị mai một. Hiện nay, làng Đông Hồ chỉ còn một vài gia đình bám trụ với nghề như gia đình ông Nguyễn Đăng Chế, gia đình ông Nguyễn Hữu Sam... Được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh đã gấp rút chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đệ trình UNESCO. Việc làm hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc biệt này.

Sau lễ đón nhận bằng công nhận “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là chương trình nghệ thuật “Về miền quan họ 2013”. Chương trình đã phác họa nên bức tranh nghệ thuật gợi cảm về miền đất cổ Bắc Ninh - Kinh Bắc, là sự tổng hòa các tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng theo phong cách dân gian hiện đại, vừa gần gũi, thân quen, mộc mạc nhưng cũng huyền ảo, sang trọng, hướng tới các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng là tiềm năng du lịch phong phú, đặc sắc, tiêu biểu của miền quan họ.  
 

Theo V.XUÂN (SGGP)


.