Nơi lưu giữ bằng chứng của một thời oanh liệt

02:12, 25/12/2012
.

* TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Hơn 300 hiện vật liên quan đến chiến dịch “12 ngày đêm Hà Nội” được Bảo tàng Phòng không-Không (PKKQ) quân trưng bày nhân kỷ niệm 40 năm “Điện Biên Phủ trên không” là bằng chứng sinh động về một thời oanh liệt của binh chủng này.

TIN LIÊN QUAN


Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Bảo tàng PKKQ cho biết: “Hiện có trên 7 vạn hình ảnh, hiện vật, liên quan đến binh chủng, song chúng tôi chỉ chọn trên 300 hiện vật tiêu biểu nhất liên quan đến chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội để trưng bày lần này”.

Tên lửa từng quật ngã pháo đài bay B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Tên lửa từng quật ngã pháo đài bay B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Ảnh: TRẦN ĐĂNG


Thực ra, không phải đến lần kỷ niệm thứ 40 chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” này, bảo tàng mới “trưng” những hiện vật đó ra mà gần như các hiện vật ấy luôn đập vào mắt du khách mỗi khi đặt chân vào bên trong khuôn viên bảo tàng.

Đó là những chiếc MiG rất “khiêm nhường” nhưng đã nhiều lần quần nhau với không lực Hoa Kỳ trên bầu trời miền Bắc những năm Mỹ leo thang chiến tranh. Người xem được sờ tận tay chiếc MiG-17 số 2047 từng ném bom trúng tàu khu trục Hi-Bi của Mỹ, hoặc chiếc MiG-17 số 2011 từng hạ gục viên đại tá phi công Norman-chuyên gia chống MiG của không quân Mỹ.

Đó là các giàn ra đa với đủ các kiểu dáng, to vật vã của bộ đội tên lửa, từng góp phần quan trọng vào việc phát hiện máy bay Mỹ để tên lửa ta “truy kích” chúng ngay trên bầu trời thủ đô . Đặc biệt, du khách được chứng kiến những quả tên lửa “kiêu hùng” từng hạ đo ván pháo đài bay B52 để bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972.

Máy bay MiG số 2047 từng ném bom trúng tàu khu trục Hi-Bi của Mỹ. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Máy bay MiG số 2047 từng ném bom trúng tàu khu trục Hi-Bi của Mỹ. Ảnh: TRẦN ĐĂNG



Trong đợt trưng bày lần này, cuốn “Sổ đỏ” cũng đã được “trưng” ra để người xem lí giải được phần nào về cách đánh độc đáo của những người “nông dân mặc áo lính” nhưng vẫn làm chủ một cách tự tin và sáng tạo các loại vũ khí hiện đại để rồi “quật ngã” những con “ngáo ộp” khổng lồ của Mỹ với đủ các thứ nhiễu giả và máy bay tiêm kích yểm trợ mỗi khi chúng tiến vào bầu trời Hà Nội cuối năm 1972.

Theo Giám đốc Nguyễn Hữu Đạt, Bảo tàng Phòng không-Không quân đang thực hiện một “dự án” rất có ý nghĩa, đó là sưu tầm và ghi lại các hiện vật gắn liền với các nhân chứng còn sống bằng các đoạn clip nhằm minh họa cho từng hiện vật.

“Chúng tôi biết, những con người từng gạ gục B52 hiện vẫn còn sống, mỗi người đang giữ 5-7 hiện vật liên quan đến chiến dịch 12 ngày đêm. Nếu không ghi lại được tiếng nói thuyết minh của họ thì những hiện vật đó sẽ không sống động được. Các hiện vật đó sẽ không “cựa quậy” nếu như chúng ta chỉ làm mỗi một việc là trưng bày”. Ông Đạt cho hay./.

 


.