Thầy giáo dạy vỡ lòng

10:11, 19/11/2012
.

(QNg)- Năm 1975, đất nước vừa mới thống nhất, làng tôi chưa có trường mẫu giáo. Muốn học vỡ lòng phải đi bộ rất xa. Thầy Minh thấy vậy liền mở một ngôi trường dạy vỡ lòng miễn phí cho con em trong xóm. Ngôi trường được xây dựng ngay trong mảnh vườn của thầy. Nói tiếng xây dựng nhưng thực ra chỉ là những kèo cột tre với mái rạ, cửa nẻo trống hoang, bàn ghế là mảnh ghép của những thanh tre chẻ ra. Bảng đen là một miếng tôn sơn màu.

Thầy thuê một cô giáo ở làng khác đến dạy. Cuối tháng thầy trả tiền thù lao cho cô giáo. Cô giáo nói: Tiền này xem như em đã nhận rồi. Em gởi lại cho các cháu mua sách vở học.

Thầy Minh năn nỉ: Cô cứ nhận đi! Tiền này là của gia đình tôi, chứ không phải thu của học trò đâu. Cô đừng ngại. Cô đến đây dạy là quý rồi.

Cô giáo một mực từ chối: Em cảm ơn anh! Em cũng giống như anh thôi. Tất cả là vì tương lai con em chúng ta. Nhưng có điều là em không thể dạy lâu dài được…
- Ấy chết! Cô không dạy, bọn trẻ của tôi nó dốt tội quá!
- Anh đừng lo! Trước khi nghỉ em sẽ tìm thầy khác dạy thế.
- Thầy nào? Ở đâu? Cô nói cho tôi nghe thử!
Cô cười: Anh chứ ai.
Thầy Minh sửng sốt: Tôi… tôi… mới học hết lớp năm làm sao mà dạy.
- Anh đừng lo! Em sẽ hướng dẫn cho anh.


*  *  *


Từ tháng thứ hai trở đi, tôi thấy thầy Minh ngồi cuối lớp dự giờ. Sau đó thầy Minh dạy, cô giáo ngồi dưới dự. Qua tháng thứ ba, chúng tôi không còn thấy cô giáo đâu nữa. Chúng tôi buồn lắm.
Thấy chúng tôi buồn thầy an ủi: Cô giáo các con có công việc không thể dạy được, nên thầy phải dạy thay cô…
- Con ưng cô Xuân dạy. Con không ưng thầy dạy đâu. - Con Thuỷ từ bàn dưới nói to cắt ngang câu nói của thầy.
Thầy buồn buồn nói: Thầy dạy thay cô vài hôm. Khi nào rảnh cô sẽ lên dạy. Các con yên tâm.
Nhìn gương mặt thầy, tôi thấy thương thầy quá! Tôi đứng dậy khoanh tay lễ phép nói: Thưa thầy, thầy đừng bỏ chúng con nửa chừng nghe thầy!
Thầy không bỏ các con đâu.

Lớp học lúc này như ong vỡ tổ. Thầy phải vỗ tay: "bốp" … "bốp" … "bốp"... ba tiếng và bảo: Các con yên lặng đi nào!
Học trò im phăng phắc. Thầy nói tiếp: Các con ưng nghe thầy kể chuyện không?
Học trò đồng thanh trả lời: Thưa thầy ưng.

Các con lắng nghe: "Ngày xửa ngày xưa Cò và Vạc là hai anh em. Nhưng tính nết rất khác nhau. Cò thì ngoan ngoãn chăm chỉ học tập, được thầy yêu bạn mến. Cuối năm Cò được nhận phần thưởng. Còn Vạc thì lười biếng không chịu học hành, suốt ngày chỉ rúc đầu vào trong cánh mà ngủ. Cò khuyên bảo nhiều lần nhưng Vạc chẳng nghe. Cuối cùng Vạc đành chịu dốt. Sợ chúng bạn chê cười, ban đêm Vạc mới bay đi kiếm ăn. Ngày nay lật cánh Cò lên, vẫn còn thấy một chòm lông màu vàng nhạt. Người ta bảo đấy là quyển sách của Cò. Cò chăm học nên lúc nào cũng mang sách bên mình. Sau những buổi mò tôm, bắt ốc, Cò lại đậu trên ngọn tre giở sách ra đọc".

Kể xong thầy ghi bài lên bảng chỉ cho chúng tôi học. Thầy đánh vần rất chậm để chúng tôi đánh vần theo. Có nhiều đứa không đánh vần được thầy phải hướng dẫn chúng uốn lưỡi để đánh vần. Thầy hướng dẫn đến khi nào chúng đánh vần được mới thôi. Thầy không bao giờ cảm thấy khó chịu với những học trò chậm tiến. Lúc nào thầy cũng tạo không khí lớp học sôi nổi bằng cách dạy học trò kể chuyện, tập hát hoặc hướng dẫn học trò chơi những trò chơi dân gian…

Học với thầy đứa nào cũng thích. Con Thuỷ ban đầu sợ thầy đánh lắm, không dám đi học. Nó bảo: "Cha tao nói đứa nào học dốt đến trường thầy đánh dữ lắm". Nhưng từ ngày đến trường tới giờ, nó không những không bị đánh, mà còn được thầy cưng nữa. Không riêng gì con Thuỷ, mà hai mươi đứa học trò lớp tôi đều được thầy cưng.

Có một điều mà học trò chúng tôi đứa nào cũng nhớ mãi, là sáng nào thầy cũng nấu một nồi củ lang để ra chơi dọn cho chúng tôi ăn. Thầy sợ chúng tôi sáng dậy không ăn đến trường đói bụng. Mà thật, sáng nào chúng tôi cũng nhịn đói đi học. Tôi, con Thuỷ và một số đứa lớn tuổi đã biết ăn cầm khách. Còn những đứa sáu, bảy tuổi chúng ăn tới những hai, ba củ. Tôi phải nhắc nhỏ nó mới ăn từ từ. Thấy tôi nhắc thầy liền nói: Để em nó ăn, củ còn nhiều mà! Thế là chúng nó tha hồ ăn.

Thời buổi đất nước mới giải phóng, kinh tế rất khó khăn. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Chúng tôi đến trường chỉ có quần đùi áo cánh, chắp vá nhiều chỗ. Mùa đông trời lạnh như cắt mà chẳng đứa nào có được chiếc áo len để mặc. Nhìn thấy cảnh ăn mặc của chúng tôi, thầy thương lắm.

Một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi không còn nhớ rõ là ngày mấy, thầy phát cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc áo len. Tuy áo hơi cũ, nhưng tất cả đều  lành lặn. Sau này chúng tôi mới biết, những chiếc áo này thầy đã đi quyên của những người bà con trên thành phố. Học trò chúng tôi có áo ấm rồi, nhưng thầy vẫn không yên tâm vì trường lớp trống hoang trống hoác. Thầy phải nhờ phụ huynh đánh tranh che xung quanh lớp học, không cho gió bấc lọt vào. Phụ huynh của chúng tôi ngày ấy rất thương thầy. Thấy hoàn cảnh thầy khó khăn, lâu lâu họ đem biếu thầy quả bí, quả bầu, nắm rau, mớ củ… Trước nghĩa cử cao đẹp của phụ huynh, thầy không thể chối từ.   
 
Từ ngày thầy làm công việc dạy học, lúc nào thầy cũng không rời quyển sách. Có những hôm đi cuốc đất ngoài đồng, thầy cũng đem sách theo để đọc trong lúc nghỉ ngơi. Còn thứ năm, chủ nhật thầy lại chở sách vở lên thị xã để học bổ túc.
Bọn tôi thấy thầy làm như vậy cũng bắt chước làm theo. Hôm nào đi chăn bò, cắt cỏ chúng tôi cũng cầm quyển vở theo. Tranh thủ những lúc rảnh để đọc.  

Ngày đó đi học cực khổ lắm. Học một buổi, còn một buổi đi chăn bò. Cực khổ là vậy, nhưng đứa nào cũng cố gắng học. Mới học hơn một học kỳ  mà đứa nào cũng đọc thông viết thạo và biết làm các phép tính cộng, trừ đơn giản.
Thấy bọn tôi học giỏi thầy mừng lắm. Thầy đi lên xã mua hồ sơ chuẩn bị cho chúng tôi vào lớp một.
Ngày chúng tôi vào lớp một, thầy dẫn chúng tôi đến trường. Chúng tôi vào lớp rồi mà thầy vẫn còn đứng ngoài cổng với phụ huynh, chờ chúng tôi về.
 

*  *  *



Năm 1981, chúng tôi vào lớp sáu cũng là lúc thầy Minh nghỉ dạy. Ngôi trường và mảnh vườn thầy bàn giao lại cho chính quyền xã xây dựng trường mẫu giáo thôn.
Những năm còn học ở trường làng, tôi thường đến thăm thầy, giúp thầy lợp lại mái tranh hay sửa lại bàn ghế cho các em nhỏ học. Từ ngày lên trường xã, trường huyện, rồi đi học ở trường chuyên nghiệp tôi không còn được gặp thầy nữa.


Năm 1990, trong đợt thực tập ở một trường miền núi, tôi lại gặp thầy. Hai thầy trò ôm chầm lấy nhau mừng rơi nước mắt. Sau đó tôi được thầy hướng dẫn công tác chủ nhiệm. Tôi lấy làm sung sướng. Tôi thấy mình bé nhỏ lại như thời còn học vỡ lòng…


Sau bao năm xa cách, bóng thời gian đã làm thầy tôi thay đổi rất nhiều. Duy chỉ có một điều không thay đổi. Đó là nhân cách người thầy.


  Phạm Văn Hoanh
 


.