Trang đời huyền thoại

01:07, 16/07/2012
.

(QNg)- Trong cái nắng oi ả của mùa hè, tôi lại tìm về bóng mát rừng đước ngoại tôi, nơi đã để lại cho tôi những kí ức không phai thuở thiếu thời. Gần 40 năm trôi qua, khu rừng đước um tùm, rậm rạp ngày xưa giờ đây đã thưa thớt hẳn. Thấp thoáng, vài cây bần len lỏi trong đám dừa nước soi bóng cho đàn cá ẩn mình dưới cái nắng hè gay gắt. Tuy vậy, tất cả vẫn tràn trề nhựa sống với màu xanh phủ đầy; một không gian êm ả, yên bình mang hơi thở miền quê sông nước.

 Trong tiếng lá rì rào, tôi mơ màng hình dung bóng dáng của ngoại tôi ngày nào. Ngược dòng chảy của kí ức, tôi thấy bà đang hiển hiện trong những ngày tháng đau thương thời chiến tranh, gian khổ.

Ngoại tôi sinh được mười người con: sáu trai, bốn gái. Cả gia đình đều tham gia cách mạng. Sáu người con trai đều lần lượt cầm súng đi chiến đấu, nên hằng đêm ông ngoại bị  bắt xuống khu dồn để địch "quản thúc",  mình bà phải ra đập đơm cá, tôm lo toan cho cuộc sống của gia đình. Những nàng dâu thiếu điểm tựa và đàn cháu nội vắng bố đang trông cậy vào sự che chở, bao bọc của ngoại tôi. Đất đai nhiều nhưng chua phèn nhiễm mặn nên lúa gạo chỉ đủ ăn đến kì giáp hạt. Được thiên nhiên ưu đãi và thừa kế của tổ tiên, ngoại tôi có được cái đập ven miền hạ lưu sông Trà Bồng với diện tích hàng chục hécta. Đó là nguồn sống đắp đổi để  vơi đi những nhọc nhằn, lo toan trong cuộc sống thường ngày. Ngoại tôi luôn luôn chia ngọt sẻ bùi cho con cháu mình qua từng bát cơm, manh áo…

Sông Trà Bồng.       Ảnh: Internet
Sông Trà Bồng. Ảnh: Internet


Năm 1973, sau khi người con trai cuối cùng của ngoại tôi "nhảy núi" theo cách mạng thì địch đã nghi ngờ đường dây cơ sở có liên quan đến hai con dâu và cô gái út của ngoại. Chúng bắt và tống giam tất cả vào nhà lao Quảng Ngãi. Nhà đã vắng người lại càng neo đơn, nheo nhóc;  đàn cháu đã thiếu cha, giờ mẹ lại đi tù. Ngoại tôi vẫn vững lòng, nuôi dưỡng cháu nhỏ, động viên cháu lớn. Chiều chiều, một tay ngoại xách đèn gương (loại đèn treo ở ấp chiến lược ngày ấy), tay bưng thúng có nồi cơm nấu sẵn và bình nước chè xanh ủ nóng ra đập. Thương ngoại một mình nơi vắng vẻ, chị tôi đã tự nguyện gánh giỏ, thúng đi theo giúp bà.

Mỗi khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc tôi lon ton chạy theo bước chân của bà và chị ra đập. Tôi thích không khí mát lạnh thơm hương đồng nội, thích nghe tiếng nước chảy ào ào dưới cống và tiếng cá quẫy trong đêm. Đặc biệt là những đêm trăng mùa hạ, bầu trời như cao rộng hơn, vầng trăng tròn vàng thắm, lơ lửng giữa cánh đồng bao la khiến tôi say mê ngắm mãi mà không biết chán. Là trẻ con nên tôi và chị tôi thường chui vào chòi ngủ sớm, chỉ còn lại ngoại trong đêm khuya vắng vẻ, lặn lội dưới sa (dụng cụ đơm tôm) chờ nước rút để hốt tôm vào giỏ. Trong mơ màng tôi chợt nghe tiếng ngoại thì thào:

- Ăn vài miếng đỡ đói rồi đem hết gói này về cho anh em.
 -  Thuốc kháng sinh để vào túi áo trên kẻo bị ướt nghe con!
Rồi tiếng chân lội nước bì bõm đi dần về phía rừng đước của ngoại tôi (Cánh rừng đước um tùm này trải dài ra tận hạ lưu sông Trà Bồng, bên kia sông là vùng căn cứ cách mạng mà lúc đó gọi là vùng mất an ninh).
Nhiều đêm như thế đã đi vào tiềm thức của tôi, trong ý nghĩ ngây thơ, tôi cứ ngỡ mình đang chiêm bao thấy bà tôi làm việc nghĩa bởi lẽ ngoại tôi rất hiền từ, nhân hậu.  

Một buổi chiều như thường lệ, bà cháu tôi thong dong trên đường ra đập thì gặp toán lính nghĩa quân đi tuần. Một tên bước tới  gần, chặn đường hỏi: Bà già đem cơm nước đi đâu? Tiếp tế cho Việt Cộng phải không?
Bà nhỏ nhẹ đáp: Bà cháu tui đi làm đồng về chưa kịp ăn chiều nên đem theo, mong chú thông cảm cho.
Hắn không tin, giở niêu cơm ra hỏi: Sao bà già với hai nhóc mà  mang  nhiều thế?

 Bình tĩnh, bà chống chế: Lũ nhỏ hay đói, khuya ăn no bụng chúng mới ngủ được. Hôm nào các chú ghé lại đập, tôi nướng tôm, cua đãi mấy chú  nhé. Vừa nói, bà vừa dúi vào túi áo hắn một tờ bạc. Hắn cười, khoác tay ra hiệu cho bà đi tiếp.

Thuở ấy, tôi không hiểu nổi tại sao niêu cơm và ấm nước chè sáng nào cũng sạch nhẵn, kể cả những miếng giẻ chèn xung quanh bình ủ cho nước lâu nguội cũng không còn. Đôi khi tôi bắt gặp đôi mắt bà nhìn xa xăm về dãy núi bên kia sông rồi bất chợt những giọt nước mắt lăn dài trên má. Có lẽ bà lo lắng và mong mỏi những người thân. Bà luôn ước ao một ngày đoàn tụ để con cháu mình quây quần bên bếp than hồng đượm mùi tôm nướng. Âm thầm chịu đựng cảnh biệt ly, bà trút tình thương cho đàn cháu dại và đêm đêm mang niêu cơm, túi thuốc cho đội công tác như mang quà gửi gắm đến những đứa con ruột thịt của mình.

Ngày qua, tháng lại, ngoại tôi lặng lẽ lo toan mọi việc, từ đồng áng, đập đìa đến cơm áo, gạo tiền. Vượt qua bao khó khăn, lận đận bà trở thành điểm tựa tinh thần, là niềm tin của cháu con. Nhưng cây đại thụ trùm bóng mát trong đại gia đình ấy đã bị ngã gục vào một đêm mùa đông trên đường ra đập bên niêu cơm và tài liệu chưa kịp trao gửi.

Đó là đêm 28/8/1973 - cái đêm đầy đau thương, tang tóc. Chiều hôm ấy chị tôi đi học về muộn nên không dẫn tôi về ngoại để ra đập cùng bà. Trời mưa tầm tã, gió mùa Đông Bắc tràn về lạnh buốt. Nhìn trời mưa gió, ông tôi ngần ngại, bà hiểu ý vội trấn an:

-    Tui phải ra tháo cống, kẻo nước lớn lở đập, trời mưa thế này đơm trúng lắm. Ông cứ yên tâm đi xuống khu dồn kẻo tụi nó sinh nghi, nghe đâu có thằng sếp mới đổi về hăng máu lắm ông ạ.
-    
Kì thực là bà nghĩ đến niêu cơm và tài liệu khẩn cần trao gấp. Đêm nay các đồng chí sẽ vượt sông về khu rừng đước của bà. Bà vội cầm đèn pin cùng cô dâu thứ hai rảo bước trong mưa.
 Hai người vượt qua chặng đường lầy lội trên quãng đồng không mông quạnh. Đêm nay sao lại không thấy bóng dáng nghĩa quân đi tuần nhỉ? Bà linh cảm có điều gì sắp xảy ra. Gần đến địa phận rừng đước quen thuộc, bỗng ngoại vấp phải  một vật gì đó. Rồi tiếp theo là một tiếng nổ kinh hoàng xé tan không gian mùa đông im lặng. Ngoại tôi quằn quại trên vũng máu, niêu cơm vỡ toang, bình nước chè xanh nhét đầy tài liệu lăn  xuống vũng bùn cạnh đó. Mợ Hai bị thương nặng ở đùi.

Đêm hôm ấy, đội công tác biết tình hình nên không qua sông như đã hẹn. Sự ra đi của ngoại tôi là mất mát lớn của gia đình, nhưng đã báo động cho  đồng  chí mình  khỏi rơi vào ổ phục kích của địch. Chiếc bình tài liệu nằm dưới vũng bùn được ba tôi mang về cất giữ cẩn thận. Khu rừng vẫn yên tĩnh, bí mật và sẵn sàng chở che cho đồng đội hằng đêm tiếp tục đi về đến ngày toàn thắng.

Trở lại với rừng đước hôm nay, dư âm của ngày xưa vọng lại kì tích một thời. Sự hi sinh của ngoại tôi đã hóa thân vào sông nước quê hương, vào màu xanh đầy sức sống của cây đước dẻo dai, tàu dừa rợp bóng và  sóng lúa rập rờn... Cuộc sống bình yên in dấu chân của ngoại tôi thưở trước. Không những là tấm gương tần tảo, giàu đức hi sinh mà ngoại còn là một liệt sĩ - một bà mẹ Việt Nam anh hùng với những trang đời huyền thoại, mãi mãi được Tổ quốc ghi công, khắc ghi trên bia đá, bảng vàng.

Cánh rừng đước vẫn vươn cành, tỏa bóng. Mặt nước hồ vẫn êm ả, lung linh. Hồn thiêng của các thế hệ cha ông thưở trước đang hội tụ, phù trợ cho quê tôi xây dựng nông thôn mới đẹp giàu, hòa cùng nhịp sống  thanh bình của đất nước.


 Hoàng Lan Quyên
 


.