Hình ảnh đường Trường Sơn trong âm hưởng những ca khúc

10:07, 22/07/2012
.

(QNg)- Đường Trường Sơn đã trở thành một nét son chói lọi trong ký ức của dân tộc ta, trở thành di sản quý giá của lớp lớp những người đi trước để lại, "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước..." đã là lời thề của cả một thế hệ. Biết bao người con thân yêu của dân tộc ta đã hy sinh xương máu, hy sinh cả tuổi trẻ của mình cho con đường để đi tới ngày toàn thắng ấy.

TIN LIÊN QUAN

Những cung đường Trường Sơn, những lối mòn Trường Sơn, nơi đã thấm máu, mồ hôi của biết bao chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ đã trở thành những người lính đặc biệt trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Họ được những người lính chiến đấu dọc con đường huyền thoại này đùm bọc, bảo vệ, tạo nguồn hứng cảm bất tận để viết ra những bài thơ, khúc hát.

 

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi quy tụ phần mộ các liệt sĩ đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm chiến tranh thống nhất đất nước. Ảnh: Internet
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi quy tụ phần mộ các liệt sĩ đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm chiến tranh thống nhất đất nước. Ảnh: Internet


Có rất nhiều người lính Trường Sơn đã "vịn" vào câu thơ, bài hát để ra trận. Những người lính Trường Sơn thuở ấy biết rằng có thể tất cả họ sẽ hi sinh. "Cái cần nhất lúc đó đối với họ không phải là thức ăn, nước uống. Cái cần nhất đối với họ trước cái chết là một bài ca của sự sống vang lên đôi lúc như một bản thánh kinh" (Nguyễn Quang Thiều). Thơ ca và âm nhạc không phải là một bản thánh kinh nhưng là một điều gì đó kỳ lạ của thời điểm ấy. Đó là một hiện thực chứa đựng sự kỳ diệu của thi ca, âm nhạc và đời sống tinh thần của con người.

Trong 16 năm (1959-1975) chiến đấu gian khổ, ác liệt, cả Trường Sơn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lực lượng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng; con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa chiến công. Ghi vào trang sử vàng đường Trường Sơn huyền thoại là lực lượng thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến suốt ngày đêm đảm bảo an toàn cho tuyến đường chi viện miền Nam. Những câu chuyện về thanh niên xung phong đã đi vào âm nhạc với tất cả sự bi tráng của chiến tranh.

Theo nhạc sĩ Văn Dung, kỷ niệm sâu sắc nhất trong ông vẫn là hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong, họ thật hồn nhiên, trong sáng và yêu đời. Ông kể: "Một đêm chúng tôi được ra mặt đường, nhưng thực ra lại được bảo vệ trong một căn hầm chữ A kiên cố. Nhìn ra đường, pháo sáng chói loà, máy bay nối tiếp nhau lao xuống trút bom đạn vào các đoàn xe. Xe cháy, hàng đổ. Người bị thương, người hi sinh. Các chiến sĩ công binh, TNXP ào ra cứu người, cứu xe, cứu hàng. Đó là việc diễn ra hàng ngày, nhưng với chúng tôi thật lạ lẫm và kinh hoàng: Công binh, lái xe đều mặc áo giáp 5-7kg còn các cô gái TNXP vẫn mảnh mai với tấm vải dù, làm cọc tiêu dẫn đường, phá bom, san đường và... hi sinh!". Từ đó, một niềm yêu thương vô bờ xen lẫn kính trọng dậy lên trong ông, và âm nhạc trào dâng:  "Ơi cô gái Trường Sơn/ Bao đêm em đi mở đường/ Cho từng chuyến xe anh qua/ Vang giọng hát em ngân xa".

Cũng vào thời điểm ấy, có một cô TNXP của miền quan họ, trong những lúc lặng tiếng bom rơi lại cất lên tiếng ca mang âm điệu quê hương Kinh Bắc. Đã có rất nhiều anh lính thương thầm nhớ trộm tiếng hát ấy, trong đó có nhạc sĩ Đoàn Nhượng. Ông da diết: "Em là cô gái Cầu Lim/ Hát câu quan họ để anh /Anh tìm, anh tìm đến nơi/ Tìm em, em đã, đã... đi rồi/ Em đi tới những con đường mới mở/ Câu dân ca em gửi quê hương một nửa/ Một nửa em mang tới những tuyến đường" (Trên những tuyến đường quan họ).

 Nguyễn Quang Thiều đã đúng khi nhận định rằng: "Cái cần nhất đối với họ (những chiến sĩ Trường Sơn) trước cái chết là một bài ca của sự sống vang lên". Bởi vậy, ở Trường Sơn tiếng hát chưa bao giờ ngừng tắt. Bằng giai điệu vạm vỡ và hào sảng, nhạc sĩ Huy Du viết: "Này Trường Sơn ơi/ Ta đi trong gió/ Ta đi trong mưa/ Từng ngày từng tháng/ Là từng bài ca/ Tiếng hát cùng ta/ Vượt qua gian khổ" (Trên đỉnh Trường Sơn ta hát).

Và trong nét nhạc tươi vui, nhí nhảnh là nhạc sĩ Xuân Giao: Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh/ Tiếng hát ai vang động cây rừng/ Phải chăng em cô gái mở đường/ Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát" (Cô gái mở đường).

Tiếng hát đó đã lay động tâm hồn của rất nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có Phan Nhân. Giữa cuộc chiến tranh, ông có một phút tĩnh lặng thật lãng mạn, dịu dàng:  "Anh đi tìm em, em ở nơi đâu?/ Hỡi người con gái đang dãi dầu mưa nắng Trường Sơn/ Tuổi xuân em phơi phới, năm xưa đi mở đường/ Chỉ nghe tiếng hát/ Chỉ nghe tiếng hát, mà lòng anh yêu thương" (Em ở nơi đâu?).

Nếu nhà thơ Phạm Tiến Duật nổi tiếng với "Bài thơ về tiểu đội xe không kính": "Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi", thì Nhạc sĩ Tân Huyền lại phơi phới lạc quan vút lên giai điệu của "Xe ta đi trong đêm Trường Sơn": "Những đêm Trường Sơn/ Đường biên giới uốn quanh co, mây trời đẹp quá/ Vỡ kính rồi trăng tràn cả vào xe".

Trên con đường Trường Sơn, người chiến sĩ lái xe với "bao chuyến đi về" đã "thuộc từng hố bom từng ngọn cây vách đá", dẫu "đạn xé bom rơi, mưa rừng xối xả" vẫn "mang lửa nhiệt tình đi giải phóng quê hương" (Đường Trường Sơn xe em qua).

Và những con người trên con đường huyền thoại cũng đã trở thành những huyền thoại bất tử. Họ sống mãi nhưng giai điệu lời ca của "Đường tôi đi dài theo đất nước" (Vũ Trọng Hối)...

Và đặc biệt, họ thật đẹp trong cảm hứng để Hoàng Hiệp dựa trên lời thơ Phạm Tiến Duật: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây" (Trường Sơn đông Trường Sơn tây) và họ sống mãi trong hình ảnh "Bài ca bên cánh võng" (Nguyên Nhung) để nhớ về phút dừng chân bên suối võng đưa, nghe trong gió ngàn ru như lời mẹ hiền, cánh võng là quê hương và Trường Sơn là Tổ quốc. Họ bất tử trong hình ảnh bao đoàn quân ra trận với khí thế ào ào thác lũ đi giải phóng miền Nam qua giai điệu "Bài ca Trường Sơn" (Trần Chung), "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" (Huy Thục)...

Mùa Xuân năm 1975, sau ngày hoà bình, những thanh âm của đường Trường Sơn lại vang lên nồng nàn tha thiết trong "Lá đỏ" (Hoàng Hiệp-Nguyễn Đình Thi), "Sợi nhớ sợi thương" của Phan Huỳnh Điểu, thơ Thuý Bắc...

Từ con đường Trường Sơn huyền thoại, chúng ta hiểu hơn lúc nào hết, hai tiếng thiêng liêng nhất trong đời: Đó là Tổ quốc, là giải phóng, là thống nhất đất nước. Miền ký ức âm thanh về đường Trường Sơn vì thế mà cũng trở thành bất tử.


 Nguyễn Văn Thanh
 


.