Buôn gánh ngày xưa

03:07, 06/07/2012
.

(QNg)- Buôn gánh ở đây chỉ những người gánh các loại nông sản, hàng hóa đi bán lẻ ở các làng miền xuôi, phần đông họ đi từ chợ này sang chợ khác theo từng buổi họp chợ để thuận lợi cho việc trao đổi hàng hoá.

Những người buôn gánh thường họp thành từng nhóm, hầu hết sống cùng làng, hoặc những làng gần nhau, dân gian gọi họ là "bạn hàng". Bạn hàng xáo (mua bán lúa, gạo), bạn hàng xén (tạp hoá), bạn hàng đường, bạn hàng chè, bạn hàng nón, bạn hàng nồi (chỉ chung đồ gốm) bạn hàng rèn, bạn hàng đan...

Về các tuyến đường buôn bán, có nhóm bạn hàng buôn bán theo chiều dọc đông tây, chủ yếu trong một huyện, xa lắm là đến các chợ giáp ranh giữa hai huyện, nhóm này chủ yếu là phụ nữ; một số nhóm khác buôn bán theo đường thiên lý, từ huyện này sang huyện khác, di chuyển trên quảng đường tương đối xa nên phần nhiều là đàn ông.

Ở những vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam (phía bắc), Bình Định (phía nam), các nhóm bạn hàng gánh làm công việc trao đổi, buôn bán hàng hoá liên tỉnh, liên vùng đồng thời, cùng với các nhóm các lái (buôn ghe thuyền) ở đường biển, họ theo đó đóng vai trò đáng kể trong giao lưu văn hoá: “Đèn lưu ly nửa nước nửa dầu/ Nửa thương Quảng Ngãi, nửa sầu Quảng Nam”.

Cụ ông Bùi Ích (người xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), đã mất lúc ngoài trăm tuổi) kể rằng, ngày trước ông chuyên mua sỉ hàng tre đan ở xóm Đan (Tịnh Hà) hoặc xóm Phú Hòa (Tịnh Ấn), gia công cho thêm bền rồi đem bán ở chợ Đồng Ké. Gà gáy canh ba ông thức dậy, gánh hàng chạy lúp xúp cho kịp buổi họp chợ. Đi một mình nên ông thường dùng nắm nhang đốt cháy rồi cắm lên chồng hàng phía trước đầu gánh để lấy ánh sáng và cũng để cho "vui chưn", theo cách nói của ông già hóm hỉnh. Trời tối, đường vắng, những người đi ngược chiều, nhìn từ xa, chẳng thấy người mà thấy một đóm sáng chập chờn lưng chừng trên mặt đường, lòng thấy hồ nghi, dờn dợn. Nhớ lời khẩu truyền, ban đêm gặp kẻ lạ mà muốn biết người cõi dương hay hồn ma cõi âm thì cứ cúi xuống mà trông. Có chân trên mặt đường là người sống, còn như "ma cỏ" thì chẳng thấy gì. Vậy là họ khom người xuống xem thử. Ối trời, chẳng thấy chưn cẳng gì cả (vì trời tối mịt) mà cái đốm lửa ấy cứ nhì nhỏm tiến sát lại gần. Ông già kể rằng, đã có không ít người yếu bóng vía ném bừa quang gánh mà chạy, vì... sợ ma!

Những câu chuyện vui đại loại như vậy được kể đi, kể lại cho nhau nghe, thêm thắt "hành tiêu mắm muối" khiến nổ ra những tràng cười sảng khoái, làm vơi đi phần nào nỗi nhọc nhằn gánh nặng đường xa của những người "buôn gánh, bán bưng", giai tầng thấp nhất trong giới buôn bán ngày xưa.


Lê Hồng Khánh
 


.