Tưng bừng tôn vinh ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam

08:04, 20/04/2012
.

Lấy cảm hứng từ “đặc sản văn hóa Chợ”, vốn là nơi giao lưu vật chất, tinh thần của người dân Việt, đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam thêm một lần quảng bá, tôn vinh hình ảnh đất nước con người nơi đây.

“Vận hội năm Rồng - Đại đoàn kết, khát vọng và thăng hoa” chính là chủ đề của năm nay - đây cũng là điểm nhấn quan trọng nhất trong Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Trong đêm hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng tham dự trong niềm vui chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam có sự tham gia của 14 cộng đồng dân tộc từ 10 tỉnh, thành phố, gồm H’Mông, Tày (Hà Giang), Dao, Thái (Sơn La), Mường (Hòa Bình), Nùng (Lạng Sơn), Bah Nar, Gia Rai (Kon Tum), M’Nông (Đắk Nông), Ê Đê (Đắk Lắk), Chăm, Khmer (An Giang), Hoa (TP Hồ Chí Minh) và cộng đồng dân tộc Kinh (Hà Nội).

Không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa giữa những người dân ở các vùng khác nhau mà “chợ” trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam còn là tụ điểm văn hóa vật chất, tinh thần dân tộc. Tại đây, những đặc sản địa phương (đồ thủ công mỹ nghệ, trò chơi dân gian và cả tập quán văn hóa) đều được phô diễn, giới thiệu và quảng bá.

Từ chợ vùng cao miền núi phía Bắc, chợ nổi (Nam Bộ), chợ Đông Ba (Huế), chợ phiên đồng bằng Bắc Bộ hay chợ cá ven biển Trung Bộ,…vốn đã quen thuộc với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, hầu hết các dân tộc trên đất nước VN đều có chợ cho dù hình thức, địa điểm tổ chức và quy mô khác nhau.

 
Điệu múa khèn quen thuộc nơi chợ vùng cao phía Bắc.
 
Chính bởi lẽ đó, “đặc sản văn hóa Chợ” trở thành cảm hứng, điểm nhấn chủ yếu trong Liên hoan Văn hóa các dân tộc năm 2012 cũng như Đêm hội tôn vinh Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa mới diễn ra tại Đồng Mô (Hà Nội).
 
Nếu như chợ vùng cao phía Bắc với những hình ảnh những gian hàng trưng bày thổ cẩm, đôi trai gái dẫn ngựa thồ xuống núi hay nhóm nam nữ tham gia vũ điệu của người Dao, nhóm khác tham gia khèn hay điệu Xòe của dân tộc Thái đã khá quen thuộc với người dân thì chợ nổi Nam Bộ lại đem đến sự thích thú nhất định.
 
Cảnh chợ nổi tấp nập vùng sông nước Nam Bộ.
 
Với những chiếc thuyền chở trái cây, lương thực, hình ảnh tấp nập trên bến dưới thuyền của phong cảnh sông nước Nam Bộ, nơi sinh tụ của các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Kh’mer, Chăm, hiện lên đầy sinh động trong điệu múa của người Kh’mer và tiếng đờn ca tài tử Nam Bộ réo rắt.
 
Trong khi đó, nơi gốc đa, cổng làng soi bóng thời gian, các gánh hàng quê, những chú tò he chợt hiện lên trong buổi chợ phiên vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
 
Đâu đó, tiếng hát xoan, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, lại dịu dặt vang lên phía chợ dưới chân đền Hùng. Và không chỉ là nơi thoả mãn sở thích mua sắm, chợ gắn liền với văn hóa tâm linh như chợ Viềng (Nam Định).
 
Say mình cùng tiếng cồng chiêng Tây Nguyên.
 
Ngoài “đặc sản văn hóa Chợ” của cộng đồng dân tộc Việt, phong cảnh Tây Nguyên – Trường Sơn hùng vĩ, cùng không gian văn hóa cồng chiêng, di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng hiện ra bên cạnh tinh hoa võ thuật cổ truyền cũng như truyền thống đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp chinh phục thiên nhiên, chiến thắng giặc ngoại xâm trên những dòng sông, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Để rồi tất cả những đặc trưng văn hóa vùng miền, các dân tộc Việt Nam hội tụ nơi Sen hồng 54 cánh rực rỡ giữa trung tâm sân khấu để cùng nhau hướng tới một “nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”.
 
Một số hình ảnh trong đêm tôn vinh ngày hội văn hóa các dân tộc VN
 




Những hình ảnh đặc trưng của văn hóa chợ vùng Nam Bộ, nơi cư ngụ của các dân tộc Kinh, Kh'mer, Chăm, Hoa.
 


 
Góc chợ xưa với áo tứ thân mớ ba mớ bảy

Múa rối nước - một loại hình nghệ thuật dân gian của khu vực phía Bắc.

Đấu vật...

hay tinh thần thượng võ của dân tộc VN

Tất cả cùng hội tụ nơi Sen hồng 54 cánh tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.


Và màn bắn pháo hoa hoành tráng thay lời chia tay lễ hội.

 

 

Theo Dân trí


.