Phạm Văn Nguyên hát Ca-choi hay, làm kinh tế giỏi

03:05, 20/05/2011
.

 
(QNg)- Ở xã Ba Thành (Ba Tơ), bà con dân làng Hrê qúi mến ông Phạm Văn Nguyên không chỉ vì ông biết hát Ca-choi và các làn điệu dân ca Hrê hay, chơi đàn Ra-ngói hay, mà còn biết làm kinh tế giỏi.


Tại Liên hoan dân ca Việt Nam năm 2011 khu vực Nam Trung Bộ tổ chức tại tỉnh Phú Yên vừa kết thúc, tiết mục hát đối đáp, song ca Tâm tình kết sui gia - làn điệu Ca-choi (dân ca Hrê) do ông Phạm Văn Nguyên và bà Phạm Thị Đế biểu diễn, được Hội đồng nghệ thuật trao giải C và đánh giá cao. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, từng là bộ đội cụ Hồ nhiều năm đi đánh giặc, nhưng Phạm Văn Nguyên vẫn chơi rất sành điệu nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình và hát rất hay hầu hết các làn điệu dân ca Hrê.  

Phạm Văn Nguyên kể rằng, năm 1963 ông đã tự nguyện tham gia đội du kích xã bảo vệ buôn làng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được bà con quý mến bầu vào các chức vụ công tác ở địa phương. Từ ngày Phân hội cựu chiến binh thôn Làng Teng được thành lập, ông được bầu làm Phân hội trưởng. Phẩm chất người lính luôn thôi thúc ông sống, làm việc hết mình. Nhiệm vụ nào được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó ông cũng cố gắng hoàn thành và về nhà ông lại lao và công việc đồng áng, chuồng trại, làm kinh tế gia đình.

Nói về cuộc sống của dân làng trước đây, Phạm Văn Nguyên khẳng định: Chỉ mươi năm trước thôi, dân làng Hrê (xã Ba Thành) và hầu khắp Ba Tơ còn nghèo khó dữ lắm. Có nương rẫy, có rừng núi, sông suối trù phú, nhưng dân làng vẫn đói nghèo. Điều đó đã làm cho ông suy nghĩ và phải quyết tâm thay đổi để có được cuộc sống khá hơn. Quyết tâm của ông trùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Phạm Văn Nguyên cùng gia đình tập trung sức khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa nước và sau nhiều năm cần cù khai phá , ông đã cải tạo được diện tích 10 sào ruộng. Bình quân mỗi năm thu hoạch trên 2 tấn lúa, chẳng những đủ ăn cho cả gia đình mà một phần dùng vào mục đích chăn nuôi heo, gà. Có gạo để ăn, cái bụng không còn bị đói, Phạm Văn Nguyên tập trung khai thác đất trống, đồi trọc trồng nhiều rẫy mì, rẫy mía để bán cho các nhà máy. Từ ngày phong trào trồng rừng nguyên liệu phát triển, Phạm Văn Nguyên đã tiên phong trồng hai hec-ta keo lai, sau 5 năm chăm sóc ông đã khai thác bán được trên 35 triệu đồng. Đó là thời điểm năm 2008 - thời điểm này ở Làng Teng, gia đình Phạm Văn Nguyên khai thác và bán keo thu nhập số tiền như thế là một sự kiện lớn. Nó có sức lan tỏa, cổ vũ, khuyến khích dân làng tự tin, mạnh dạn đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh đất lâm nghiệp phát triển kinh tế vườn rừng.

Bây giờ ở Làng Teng quê ông không còn đất trống đồi trọc bỏ hoang phí như trước, tất cả đã được khai thác để trồng mì, trồng mía và nhất là trồng keo lai để bán cho các nhà máy. Riêng gia đình ông ngoài làm 10 sào ruộng lúa nước, còn trồng được trên 15 hec-ta các loại cây nguyên liệu, trong đó cây keo lai trên 10 hec-ta, hứa hẹn có hiệu quả cao vài năm đến. Gia đình Phạm Văn Nguyên còn nuôi nhiều trâu, bò, heo, gà… và chỉ tính riêng giá trị đàn trâu bò, cũng đã gần hàng trăm triệu đồng. Phạm Văn Nguyên cho biết: Trước kia ông cũng có thói quen nuôi trâu bò thả rông trong rừng. Mùa đông đàn trâu bò bị chết nhiều, do đói, do giá rét. Từ ngày có hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình ông gương mẫu làm chuồng trại đúng qui cách, thu gom rơm rạ dự trữ, mùa đông trâu bò được nhốt chuồng giữ ấm và có rơm rạ ăn nên vẫn khỏe mạnh, hiệu qủa kinh tế nâng lên rõ rệt.

Người nghệ nhân biết làm kinh tế giỏi, biết đàn, hát các làn điệu dân ca dân tộc hay, đặc biệt với tiết mục hát đối đáp, song ca Tâm tình kết sui gia - làn điệu Ca-choi (dân ca Hrê) do ông và bà Phạm Thị Đế biểu diễn tại Liên hoan hát dân ca Việt Nam, khu vực Nam Trung Bộ ở tỉnh Phú Yên vừa qua đã giới thiệu đến công chúng cả nước về cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc Hrê.

 Nguyễn Bổng

.