Nguyễn Trung Hiếu và “Làng Yên Phú quê tôi”

10:10, 01/10/2010
.

(QNg)- Ở tuổi chạm ngưỡng bát tuần, Nguyễn Trung Hiếu cho ra mắt văn hữu và bạn đọc tập truyện và ký thứ sáu của ông với nhan đề "Làng Yên Phú quê tôi".

 
Cuốn sách trình bày trang nhã, dày trên 160 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, gồm 18 tác phẩm truyện và ký, cùng bức thư gửi nhà văn Katsummoto Saotome do nhà giáo Đinh Tấn Bảo chuyển ngữ sang tiếng Anh.

Có thể nói, đây là những truyện và ký được chắt lọc từ cả một cuộc đời cầm bút của ông. Ông viết văn, làm thơ và thành danh từ những năm tháng khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên quê hương Quảng Ngãi. Văn của ông, nhất là ký, bút ký của ông có một giọng điệu rất riêng, rất cuốn hút bởi cách hành văn giản dị, lối nói rặt ri dân Quảng Ngãi, đôi khi tưởng chừng như "dùi đục chấm mắm cáy", nhưng chính vì thế mà có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Văn Nguyễn Trung Hiếu khắc họa đậm nét những vùng đất ông đã từng đi qua, những con người ông đã từng gặp với những ấn tượng sâu sắc trong kháng chiến cũng như trong hòa bình. Đọc tập truyện và ký "Làng Yên Phú quê tôi" ta có thể bắt gặp hình ảnh của mẹ Nhé - tức Mí Rút, một người mẹ dân tộc Hrê ở Đá Sơn - Nghĩa Lâm (ngày nay thuộc xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa). Một người mẹ kiên trung, bất khuất, bám trụ "một tấc không đi, một ly không rời" nuôi du kích đánh giặc, dẫu khó khăn, thiếu thốn vẫn vững tin vào Đảng, Bác Hồ, tin vào cách mạng. Ở đó còn có mí Viết, Đinh Ghít và Hơ-Liu sống chí nghĩa, chí tình, thủy chung son sắt với anh em, bè bạn khi đói khổ cũng như lúc sướng vui. Những nhân vật trong bút ký của ông như: Cụ Tú Tiên, kỹ sư Ngô Anh Ba... được viết với một giọng văn rất trân trọng.

Đọc "Làng Yên Phú quê tôi" của Nguyễn Trung Hiếu những tên đất, tên làng hiện lên với cái nhìn dung dị mà sắc nét. Nó có thể là một phác thảo bằng bút chì, một ký họa, một bức tranh màu nước mà cũng có thể là một bức tranh sơn dầu. Dẫu là chất liệu gì đi nữa thì cũng lung linh, sinh động và đáng yêu.

Nguyễn Trung Hiếu cũng cung cấp cho ta những tư liệu quý về một số văn nghệ sĩ như: Thi sĩ Bích Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà biên khảo Phạm Trung Việt. Ông dành những trang viết yêu thương cho cái làng Yên Phú dạt dào kỷ niệm trong nỗi nhớ khôn nguôi của một thời, của một đời.

Hà Nội trong tâm thức của Nguyễn Trung Hiếu - một người lính tập kết, là một thiên đường: "Cái gì cũng đẹp, cũng mới lạ... lòng cứ lâng lâng rạo rực vì lần đầu về thành phố, lại thành phố lớn, vừa được giải phóng: ngỡ ngàng, hồi hộp, khó nói được niềm vui, niềm tự hào của người lính, quê ở miền Nam". Trên 35 năm trở lại, ông bồi hồi viết: "Tình cảm quả có sức sống mãnh liệt, lâu bền. Chính nó đã tạo nên tinh thần quý để có một Hà Nội sáng mãi trong tôi" (Hà Nội mãi trong tôi).

Nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đọc Nguyễn Trung Hiếu, tôi càng thêm yêu Hà Nội - Một tình yêu thơ trẻ, vẹn nguyên.

Trầm Thụy Du

.