Khơi dậy tư duy sáng tạo trong học sinh

03:03, 02/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Mô hình giáo dục này được các nước phát triển đang áp dụng. Tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT cũng đưa vào giảng dạy ở một số trường phổ thông trong những năm gần đây và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
 
[links()]
 
Học đi đôi với hành
 
Khi áp dụng phương pháp STEM, HS được làm quen với việc nhìn nhận vấn đề theo hướng đa chiều, từ đó lựa chọn được cách giải quyết phù hợp nhất. “Phương pháp chính của giáo dục STEM chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đề cao làm việc nhóm nhưng phù hợp với năng lực và phẩm chất của cá nhân. Điều này phù hợp với mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới”, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết Trần Quang Hồng cho biết.
 
Học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn vận dụng các kiến thức đa môn vào thực tiễn nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn vận dụng các kiến thức đa môn vào thực tiễn nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho HS những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn. Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó HS được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra. Từ đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho HS. Tiến sĩ Trương Duy Hướng- Trưởng ban Nghiên cứu khoa học (Trường THPT Chuyên Lê Khiết) nhấn mạnh, giáo dục STEM giúp HS học lý thuyết đi đôi với thực hành. Các em được chuẩn bị nhiều kỹ năng quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0; rèn luyện kỹ năng phát hiện, khả năng sử dụng kiến thức tổng hợp các môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn...
 
Học sinh chủ động, sáng tạo
 
Cuối năm 2021, Trường THPT Chuyên Lê Khiết thành lập Câu lạc bộ (CLB) STEM với 30 thành viên. Hằng tuần, các thành viên CLB đến phòng thí nghiệm của trường để nghiên cứu, làm các bài thực hành. “Thông qua các buổi sinh hoạt, thành viên CLB được giao lưu, học hỏi và tăng cường khả năng làm việc nhóm, khả năng tư duy. Nhà trường tổ chức một số hoạt động tạo điều kiện cho các thành viên CLB tham gia, nhằm đưa các sản phẩm thí nghiệm của CLB ra trưng bày, giới thiệu. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong HS”, Chủ nhiệm CLB STEM Lê Khiết Phạm Tường Nhật chia sẻ.
 
STEM không hẳn là phương pháp giáo dục mới, mà trước đó, Bộ GD&ĐT đã triển khai các phong trào, các cuộc thi trong các trường phổ thông theo hướng này. Từ các cuộc thi đã có những tác động tích cực, giúp chuyển biến trong dạy và học tại nhiều trường phổ thông trên cả nước. Tuy nhiên, các phong trào vẫn dừng lại ở hình thức là cuộc thi, thao giảng mà chưa trở thành hoạt động thường xuyên, phổ biến và tự nguyện của giáo viên và HS.
 
Những năm gần đây, Sở GD&ĐT triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm thúc đẩy giáo dục STEM đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Cụ thể như, dạy học tích hợp theo định hướng giáo dục STEM; sinh hoạt CLB STEM; các cuộc thi, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; phối hợp tổ chức hoạt động STEM giữa nhà trường và tổ chức tư nhân; ngày hội STEM... Đối với HS phổ thông, việc theo học các môn học STEM sẽ có tác động tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, HS sẽ chủ động thích thú với việc học tập thay vì thái độ e ngại hoặc tránh né một lĩnh vực nào đó. Trên cơ sở đó sẽ khuyến khích các em có định hướng tốt hơn khi chọn chuyên ngành ở các bậc học cao hơn và tạo sự chắc chắn cho cả sự nghiệp về sau. 
 
Em Hoàng Anh Tuấn, lớp 12C5, Trường THPT Trần Quốc Tuấn bộc bạch, giáo viên môn Hóa học cho chúng em thực hiện các thí nghiệm. Sau đó, HS viết báo cáo và thuyết trình tại lớp. Nhờ vậy, chúng em hiểu và vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn; đồng thời được rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm...
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.