Lựa chọn sách giáo khoa mới: Phù hợp, đảm bảo chất lượng

09:04, 18/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM), năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục thực hiện thay sách đối với các lớp 3, 7 và 10. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn sách giáo khoa (SGK) phù hợp và đạt chất lượng để đưa vào giảng dạy trong năm học tới.
[links()]
 
Lựa chọn sách phù hợp, chất lượng
 
Chương trình GDPTM được áp dụng với học sinh (HS) lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021 - 2022. Năm học tới, HS lớp 3, 7 và 10 được lựa chọn 1 bộ sách từ nhiều bộ sách khác nhau trong danh mục của Bộ GD&ĐT phê duyệt để giảng dạy. Để các cơ sở giáo dục có căn cứ lựa chọn SGK, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường tiểu học, THCS, THPT triển khai Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn lựa chọn SGK.
 
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tỉnh họp chọn các bộ sách cho năm học 2022 - 2023.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tỉnh họp chọn các bộ sách cho năm học 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh, với 15 thành viên và tiêu chí lựa chọn SGK lớp 3, 7 và 10 sử dụng trong năm học 2022 - 2023. Thành viên hội đồng đa số là giáo viên đang giảng dạy tại các trường. Cùng với đó, các nhà xuất bản (NXB) chuyển bản sách mẫu cho các trường nghiên cứu, lựa chọn; đồng thời giới thiệu các bộ SGK sẽ sử dụng trong năm học 2022 - 2023 đến các trường học trong tỉnh bằng hình thức trực tuyến. 
 
Đến nay, Quảng Ngãi đã hoàn tất công tác lựa chọn SGK mới  lớp 3, 7 và 10 cho năm học  tới. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt danh mục các SGK mới cho năm học 2022 - 2023. Theo đó, đối lớp 3 gồm 11 sách, lớp 7 gồm 12 sách và lớp 10 gồm 19 sách. Các SGK được chọn đều của NXB Giáo dục Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương cho biết, các thành viên Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh nghiên cứu rất kỹ các bộ sách, so sánh, phân tích theo tiêu chí lựa chọn được hướng dẫn. Các thành viên có liên hệ thực tiễn, khai thác các hình thức, phương pháp dạy học đến tổ chức các hoạt động của HS.  Theo đó, SGK được lựa chọn sử dụng phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh và điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục.

 
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới, đa số các trường tổ chức lựa chọn SGK đảm bảo  phù hợp với điều kiện thực tế giảng dạy ở địa phương. Đối với phần tham gia của phụ huynh, do đặc thù của huyện Sơn Tây phần lớn phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số nên có mong muốn các trường chủ động lựa chọn SGK phù hợp về nội dung, đặc biệt là giá tiền của HS miền núi.
 
Chia sẻ về công tác lựa chọn SGK lớp 3, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Đặng Thị Trang cho hay, nhà trường đã thành lập Hội đồng lựa chọn SGK cấp trường với đầy đủ thành phần. Việc lựa chọn bộ sách dự trên nguyên tắc bỏ phiếu, trong đó bộ sách có phiếu đồng ý cao nhất được lựa chọn. Trường đã lựa chọn bộ SGK lớp 3 của NXB Giáo dục Việt Nam để dạy trong năm học tới.
 
Vẫn còn băn khoăn
 
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên bậc THPT áp dụng Chương trình GDPTM; đồng thời áp dụng SGK mới đối với HS lớp 10. Từ năm học tới, HS lớp 10 sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc. Cùng với đó, các em chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn). Cụ thể là các nhóm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
 
Học sinh lớp 9, Trường THCS Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), trong giờ học.
Học sinh lớp 9, Trường THCS Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), trong giờ học.
Đại diện các trường THPT cho rằng, việc lựa chọn SGK diễn ra thuận lợi, nhưng khi áp dụng sẽ có nhiều khó khăn. Nếu một lớp có 2/3 HS chọn môn này, 1/3 HS chọn môn khác, thì nhà trường sẽ gặp khó trong việc sắp xếp giáo viên, bởi biên chế giáo viên các bộ môn có số lượng cố định. Hơn nữa, các môn Âm nhạc và Mỹ thuật lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy đối với HS lớp 10, nhưng nhiều trường vẫn không có giáo viên để dạy.
 
Bà Vũ Thị Liên Hương cho rằng, hiện nay đa số các trường THPT đều chưa có giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Do đó, căn cứ vào tình hình lựa chọn môn học của HS, các trường sẽ lên phương án bố trí giáo viên phù hợp. Trong đó có tính đến việc hợp đồng thêm giáo viên có chuyên môn để giảng dạy các môn này.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 

.