Trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng Covid-19: Cần sự chăm sóc chu đáo

03:12, 07/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ em và học sinh (HS). Do đó, ngành giáo dục và phụ huynh cần dành sự quan tâm, sẻ chia để các em không bị khủng hoảng tâm lý.
 
Những nỗi đau bất ngờ
 
Hai anh em Nguyễn Tiến Nhật (10 tuổi) và Nguyễn Nhật Ý (3 tuổi), ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức), mất mẹ vì dịch Covid-19, bố các em thì đang ở Bình Dương không thể trở về. Hiện hai em đang ở cùng ông, bà ngoại. Nỗi nhớ mẹ khiến hai em thường xuyên khóc. Bà Nguyễn Thị Oanh, bà ngoại của hai em chia sẻ, hai đứa thường xuyên nhắc đến mẹ. Mặc dù ông, bà động viên, nhưng cháu Ý còn quá nhỏ, nên tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề…
 
Khi học sinh đi học trở lại, các trường cần tạo tâm lý thoải mái cho các em.  Trong ảnh:  Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) trong giờ học.                       Ảnh: T.Phương
Khi học sinh đi học trở lại, các trường cần tạo tâm lý thoải mái cho các em. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) trong giờ học. Ảnh: T.Phương
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có hơn 800 trẻ em là F0, F1; trong đó, có 3 trường hợp trẻ mồ côi mất bố, mẹ do dịch Covid-19. Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có bố mẹ, hoặc người thân chăm sóc. Thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên thực hiện những gì tốt nhất cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch; các cơ quan, nhà hảo tâm hỗ trợ nhiều phần quà cho các em đang phải cách ly điều trị trong các dịp như ngày Quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu... Qua đó chung tay giúp trẻ em vượt qua đại dịch, tránh gây khủng hoảng tâm lý cho các em.
 
Để nâng cao sức khỏe tinh thần cho trẻ em vượt qua đại dịch Covid-19, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm bố mẹ, nhằm sớm phát hiện, giảm sang chấn tâm lý cho trẻ em; triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội của trẻ em, với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực cả về y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội. Ngành LĐ-TB&XH cũng chú trọng nâng cao kỹ năng cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ tâm lý xã hội trẻ em trong hệ thống trợ giúp xã hội; nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án khắc phục các tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em. Đặc biệt là triển khai chương trình hỗ trợ tổng thể, toàn diện, đa ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
 
Nhiều nỗi lo khi học trực tuyến
 
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải dạy học trực tuyến trong thời gian dài. Điều này ảnh hưởng đến tâm sinh lý của HS. Theo Trưởng phòng Giáo dục chính trị tư tưởng và Giáo dục chuyên nghiệp - Thường xuyên (Sở GD&ĐT) Trần Thị Kim Nhạn, các em HS đang trong độ tuổi phát triển, cần sự giao tiếp, nhưng phải ở nhà và giao tiếp thông qua thiết bị dẫn đến những ức chế về tâm lý. Phụ huynh giám sát con nhưng chưa được trang bị các kỹ năng cần thiết.
 
Sở LĐ-TB&XH và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao hỗ trợ cho trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19.  Ảnh: V.Yến
Sở LĐ-TB&XH và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao hỗ trợ cho trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19. Ảnh: V.Yến
Còn HS chưa biết cách để giải quyết những ức chế dẫn đến căng thẳng tâm lý. Các em thường có những biểu hiện cáu gắt, khó chịu... Ngoài ra, vì dịch kéo dài, nhiều em có gia đình khó khăn nay càng khó khăn hơn. Thậm chí có em còn mất bố, mẹ do dịch bệnh... dẫn đến những sang chấn tâm lý là điều không tránh khỏi. Trước thực trạng đó, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã triển khai các biện pháp tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho HS.
 
Theo đó, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tâm lý học đường tại các trường học cần trang bị kiến thức về nhận diện và kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho HS sau khi quay lại trường học. Hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên. Qua đó, giáo viên có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề tâm sinh lý học đường để có những phương án tư vấn, hỗ trợ phù hợp cho từng lứa tuổi HS.
 
Báo cáo viên tâm lý học đường (Sở GD&ĐT) Võ Hồng Noen cho rằng, việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho HS hiện nay đóng vai trò rất quan trọng. Các trường không chỉ giúp các em ổn định tâm lý trong thời gian quay trở lại trường học trực tiếp mà cả giai đoạn các em học trực tuyến. Phụ huynh cũng nên theo dõi những dấu hiệu để nhận biết con mình có bị bắt nạt trên không gian mạng hay không, như các biểu hiện buồn chán, ăn ít, không tập trung trong việc học, không dám mở micro... 
 
"Phụ huynh phải dành thời gian cho con, chuẩn bị cho con một không gian để ngủ đủ giấc; tập một số bài để giảm căng thẳng; đồng thời quan tâm, nói chuyện, xem con có lo lắng và sợ hãi điều gì để có giải pháp phù hợp. Trường hợp phụ huynh còn lúng túng trong việc áp dụng các biện pháp giúp con giải tỏa những áp lực thì có thể liên hệ với giáo viên. Đặc biệt, giáo viên cũng là người có vai trò kết nối giữa phụ huynh với chuyên gia khi gặp những trường hợp nghiêm trọng, vượt quá khả năng xử lý...", cô Võ Hồng Noen chia sẻ.  
 
Chung tay chăm lo cho trẻ em
 
Theo Trưởng phòng Trẻ em, Bình Đẳng giới và Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hương, trẻ em hiện chiếm hơn 25% tổng dân số toàn tỉnh. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% trẻ em có hoàn cảnh thuộc nhóm trẻ em mồ côi, bỏ rơi, khuyết tật nặng được thực hiện chính sách hỗ trợ hằng tháng, được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 85% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm dần, loại bỏ nguy cơ này. Từ đầu năm đến nay, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động trên 14,5 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 20 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
 
DUY KHANG - VŨ YẾN
 
 
 

.