Sử dụng điện thoại trong giờ học: Đúng cách sẽ phát huy hiệu quả

08:01, 15/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bắt đầu từ tháng 11.2020, học sinh (HS) THCS, THPT được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập khi có sự cho phép của giáo viên theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT. Các trường học đã xây dựng nhiều giải pháp để quản lý, hướng dẫn HS sử dụng điện thoại như là công cụ học tập hiệu quả.
[links()]
Hiệu quả nếu sử dụng đúng cách 
 
Trong giờ học môn Ngữ văn của lớp 10A5, Trường THPT số 2 Tư Nghĩa,  giáo viên (GV) cho HS xem đoạn clip giới thiệu về nàng Tiểu Thanh (nhân vật trong tác phẩm "Độc Tiểu Thanh ký" của Nguyễn Du) để mở đầu cho tiết học mới. Việc cho phép HS được sử dụng điện thoại trong giờ học đã tạo không khí học tập sôi nổi. Thầy trò cùng nhau thảo luận, tạo sự cộng hưởng trong tiết học. Em Võ Thị Kiều Ny, lớp 10A5, Trường THPT số 2 Tư Nghĩa cho biết: “Qua sử dụng điện thoại giúp chúng em học tập tốt hơn. Nếu không được thấy qua video, chỉ thông qua lời giảng của thầy giáo thì em sẽ không hình dung được hết vẻ đẹp của nàng Tiểu Thanh”. 
Các trường cần có cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả việc sử dụng điện thoại trong lớp học. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT số 2 Tư Nghĩa trong giờ học có sử dụng điện thoại.
Các trường cần có cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả việc sử dụng điện thoại trong lớp học. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT số 2 Tư Nghĩa trong giờ học có sử dụng điện thoại.
Điện thoại là công cụ hỗ trợ đắc lực cho đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp HS chủ động, sáng tạo, chuyển vai trò trung tâm từ người thầy sang học trò. Minh chứng rõ nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, điện thoại trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu của GV và HS khi phải chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến. 
 
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) Trần Lê Phương Nghĩa Phú cho hay: “Nhà trường đã quán triệt Thông tư 32 trong hội đồng sư phạm, tuyên truyền đến phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh giữa học kỳ 1; tuyên truyền cho HS trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp... Lúc đầu, có một số phụ huynh băn khoăn, nhưng nhà trường cũng thống nhất là thực hiện có quy trình, triển khai như thế nào, tiết nào, ra sao để phát huy hiệu quả, vậy nên nhận được sự ủng hộ của phụ huynh”.
 
Nếu HS sử dụng điện thoại một cách khoa học sẽ giúp việc học tập hiệu quả hơn, tiếp thu được kiến thức sâu rộng mà trong sách giáo khoa không đề cập hết được. Em Võ Nguyễn Quỳnh Diễm, lớp 12A6, Trường THPT số 2 Tư Nghĩa chia sẻ: “Việc sử dụng điện thoại trong giờ học giúp em tiếp cận kiến thức nhanh hơn. Môn tiếng Anh, tra từ mới bằng điện thoại rất nhanh. Hay em có thể xem những phương trình hóa học khó, những clip thí nghiệm mà ở trường không đủ nguyên vật liệu để làm...". 
 
Tăng cường công tác quản lý 
 
Theo cô giáo Võ Thị Như Trâm, Trường THCS Trương Quang Trọng, nếu HS có ý thức sử dụng điện thoại cho việc học thì sẽ phát huy những mặt tích cực, còn không sẽ dễ dẫn đến sao nhãng và dùng cho mục đích khác. Do đó, vai trò quản lý của GV là hết sức quan trọng.
 
Để giúp HS sử dụng điện thoại hiệu quả trong giờ học, thầy giáo Bùi Văn Quảng - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT số 2 Tư Nghĩa phân lớp theo nhóm. Một nhóm chỉ cho sử dụng chung 3 - 4 điện thoại để các em kiểm soát lẫn nhau. Giáo viên chỉ cho phép HS sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định và ở nội dung nào của bài học... "Chúng ta không thể cấm HS sử dụng điện thoại, mà phải tạo cơ chế phù hợp. Học sinh thấy hấp dẫn thì sẽ học theo", thầy giáo Bùi Văn Quảng nói. 
 
Chương trình giáo dục đang được thực hiện theo hướng mở, phát triển khả năng tự học của HS. Để điện thoại thông minh trở thành công cụ đắc lực cho đổi mới phương pháp giáo dục mới, thì HS cần được định hướng và hướng dẫn kỹ năng sử dụng. Các trường cần có quy định cụ thể đối với việc HS sử dụng điện thoại trong giờ học. 
 
Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Tư Nghĩa Nguyễn Văn Thị cho biết: Nhà trường yêu cầu GV tăng cường quản lý, hướng dẫn HS sử dụng điện thoại để phục vụ cho việc học. Giáo viên phải có kế hoạch cụ thể để nhà trường cùng phối hợp kiểm soát, quản lý. Khi chưa có quy định cho HS sử dụng điện thoại trong lớp học, một số giáo viên tiếng Anh đề xuất với trường cho sử dụng điện thoại để thuận tiện trong việc tra từ mới. Nhà trường thường xuyên kiểm tra việc thực hiện đảm bảo quy định”.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 

.