Các trường miền núi gặp khó với mô hình VNEN

06:12, 23/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 10 năm triển khai thực hiện mô hình trường học mới VNEN, các huyện miền núi hiện gặp rất nhiều khó khăn. Đây là mô hình dạy học tiên tiến, đòi hỏi về nguồn lực rất cao, trong đó phải kể đến cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Nhưng những yếu tố ấy còn đang thiếu đối với các địa phương miền núi.
[links()]
Dừng lại ở mức thí điểm
 
Mô hình trường học mới VNEN nhằm giúp học sinh (HS) chủ động, sáng tạo trong học tập và tránh việc giáo viên truyền thụ kiến thức một chiều... Tuy nhiên, trên thực tế, với nhiều nguyên nhân khác nhau đã dẫn đến việc triển khai mô hình VNEN ở các huyện miền núi chưa thực sự phát huy hiệu quả. 
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp (Trà Bồng) học tập theo mô hình VNEN.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp (Trà Bồng) học tập theo mô hình VNEN.
Là một trong hai trường học ở huyện Trà Bồng thực hiên mô hình trường học VNEN, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp luôn bám sát quy định, hướng dẫn của ngành, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện nhà trường. Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp Võ Thị Tư cho hay: “Nhà trường bắt đầu giảng dạy theo mô hình VNEN đối với khối lớp 1 và 2 từ những ngày đầu ngành giáo dục triển khai thí điểm. Đến nay tất cả các khối lớp đều được học tập theo mô hình này. Mô hình đem lại những hiệu quả tích cực đó là HS mạnh dạn, tự tin trong học tập. Học sinh học theo nhóm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Các em cũng được tăng cường các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình... Tuy nhiên, ở miền núi hầu hết HS của trường là đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thu bài còn hạn chế nên việc triển khai thực hiện mô hình gặp nhiều khó khăn”.  
 
VNEN là mô hình mới nhưng chỉ thực hiện thí điểm mỗi huyện từ 1 - 2 trường. Vì vậy, các trường không có điều kiện để giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Sách giáo khoa không được xuất bản đại trà nên các trường phải mua về phô tô lại... “Khó khăn nhất là không có trường bạn để dự giờ học hỏi kinh nghiệm, đánh giá lẫn nhau mà chỉ trường nào đánh giá trường đó. Từ những khó khăn đó, trong các hội nghị, các đợt sinh hoạt chuyên môn, các trường muốn dừng thực hiện mô hình VNEN để giảng dạy theo chương trình chung”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Hương cho hay.
 
Nhiều áp lực
 
Mục tiêu của mô hình VNEN là tạo nên những thay đổi về phương pháp dạy học, giảm áp lực, tạo nên sự chủ động trong quá trình giảng dạy và tiếp cận kiến thức của HS. Tuy nhiên, vì những điều kiện đáp ứng để thực hiện mô hình còn hạn chế dẫn đến những áp lực cho giáo viên và HS.
 
Cô giáo Trương Diệu Khuyên, chủ nhiệm lớp 6A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp bày tỏ: "Học sinh phải luôn hoạt động và ra sức học tập mới lĩnh hội được kiến thức. Bản thân giáo viên phải nỗ lực, đầu tư để có tiết dạy hiệu quả. Tuy nhiên, đồ dùng dạy học chưa đảm bảo. Học sinh còn thiếu nhiều thông tin dẫn đến việc khó tiếp cận với kiến thức mới".
 
Đây là năm thứ 7 học theo mô hình VNEN, em Hồ Thị Giang, lớp 7, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp chia sẻ: “Khi học theo mô hình VNEN, chúng em có thể trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập nhóm. Thế nhưng, đấy cũng là nguyên nhân khiến em mệt mỏi khi phải ngồi như vậy trong suốt buổi học”.
 
Không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận sách giáo khoa mà phòng học vẫn chưa đảm bảo, sĩ số HS/lớp quá đông, ý thức học tập của HS chưa cao là rào cản cho quá trình thực hiện mô hình.
 
Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Nguyễn Văn Hiến, mô hình VNEN thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm. Giáo viên chỉ là người giao việc, hạn chế tối đa thuyết trình, giảng giải mà tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của HS. HS tự thảo luận theo nhóm, phân công nhiệm vụ cho nhau và gặp vấn đề khó không giải đáp được mới yêu cầu sự trợ giúp của giáo viên. Thế nhưng, nhiều HS chưa có ý thức cao trong việc tự học, còn hạn chế khi tham gia thảo luận nhóm. Trong một nhóm từ 5 - 7 em, nhưng chỉ một vài em có ý thức học, biết hợp tác, các em khác còn thiếu tập trung... 
Một số trường xin không tham gia
 
Trước những khó khăn khi thực hiện mô hình VNEN, một số trường học trong tỉnh đã xin không tham gia và được Sở GD&ĐT chấp thuận. Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho rằng: Mô hình VNEN là bước chuyển tiếp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đồng bộ và toàn diện thì mô hình VNEN sẽ được lồng ghép một số phương pháp dạy học vào chương trình mới. Các trường dựa vào tình hình thực tế của địa phương để có quyết định tiếp tục giảng dạy theo mô hình VNEN hay xin dừng thực hiện.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 
 

.