Vang vọng lời ca bài chòi trong trường học

09:02, 05/02/2020
.
(Báo Quảng Ngai)- Để giữ gìn và phát huy nghệ thuật bài chòi, các trường học ở huyện Mộ Đức đã đưa loại hình nghệ thuật này vào chương trình giảng dạy. Qua đó, giúp học sinh (HS) hiểu về giá trị và yêu thích loại hình nghệ thuật bài chòi. 
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store. 
Yêu thích nghệ thuật truyền thống 
 
Giáo viên dạy môn âm nhạc của Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) Nguyễn Thị Thanh Hằng luôn tích cực dạy lời ca, giai điệu bài chòi cho học sinh. Cô Hằng bảo: Cứ Tết đến, Xuân về, trên quê hương Mộ Đức thường diễn ra các trò chơi dân gian, trong đó có lồng ghép các trò hô hát bài chòi. Vì vậy, nhân dịp Tết về, tôi cố gắng ôn lại cho các em hiểu hơn về thể loại bài chòi. 
Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) tích cực lồng ghép dạy dân ca bài chòi cho học sinh.
Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) tích cực lồng ghép dạy dân ca bài chòi cho học sinh.
Theo nhịp của cô giáo Hằng, cả lớp 9D hát bài “Vọng Kim Lang” bằng những ca từ thật mộc mạc, ngọt ngào: “Có ai qua Mộ Đức quê mình/ Em xin mời hãy ghé lại nơi đây/ Lúa tươi tốt khoe màu, đường nắng rọi bóng xanh cây... Người ơi, người về quê tôi/ Sắc xuân đang hòa vui”. Em Nguyễn Thị Ly Na, HS lớp 9D cho hay: “Em đã nghe lời ca, tiếng hát bài chòi từ nhỏ. Bây giờ, cô giáo hướng dẫn cách phát âm, luyến láy, em rất thích. Mỗi lời ca của bài chòi gần gũi với cuộc sống đời thường, nên em thấy dễ hiểu” .
 
Không chỉ em Na, mà hầu hết HS Trường THCS Nguyễn Trãi đều biết lời ca, tiếng hát bài chòi. Đây là kết quả sau một học kỳ Trường THCS Nguyễn Trãi đưa vào giảng dạy bài chòi. Cô giáo Hằng cho hay: Sau khi tập huấn hát bài chòi do huyện tổ chức, trường đã triển khai thí điểm ở hai khối lớp 7 và lớp 9. Lúc mới giảng dạy gặp không ít khó khăn, bởi đây là loại hình âm nhạc rất khó, nhất là những từ luyến láy. “Lời ca, giai điệu của bài chòi chủ yếu ca ngợi về quê hương, đất nước, tình cảm vợ chồng, nghĩa anh em. Vậy nên, sau khi hiểu từ, giai điệu, các em rất thích thú với loại hình hát bài chòi”, cô giáo Hằng chia sẻ. 
 
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi Trần Thị Xuân Thuyền cho biết: Năm học đến trường sẽ triển khai dạy cho HS khối lớp 6 và lớp 8. Để HS làm quen, giáo viên lồng ghép dạy bài chòi vào các tiết dạy âm nhạc địa phương. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức cho HS tham gia các câu lạc bộ bài chòi, khuyến khích các em biểu diễn trong tiết chào cờ, giờ ra chơi...
 
Nhân rộng trong toàn huyện 
 
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tài, đưa loại hình nghệ thuật dân ca bài chòi vào dạy trong trường học là nội dung phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2019 - 2020, trên địa bàn huyện có 10 trường THCS dạy dân ca bài chòi cho HS. Nhiều trường đã linh hoạt lồng ghép dạy hát bài chòi vào tiết âm nhạc địa phương. Sau khi tổng kết năm học, phòng sẽ đánh giá và tiếp tục nhân rộng đến các trường ở các cấp học.
 
Trưởng phòng VH - TT huyện Mộ Đức Nguyễn Việt Cường chia sẻ: “Thể loại bài chòi là loại hình âm nhạc cổ. Lời ca, tiếng hát, giai điệu đều gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa. Đến nay, do nhiều tác động nên đã bị mai một. Huyện đã có kế hoạch khôi phục loại hình nghệ thuật dân ca này.
 
Trước hết, huyện đã tổ chức mở các lớp tập huấn dạy dân ca bài chòi cho giáo viên dạy âm nhạc, cộng tác viên trên địa bàn huyện. Trên cơ sở này, các trường phát hiện những giọng hát hay, tiềm năng để bổ sung vào các câu lạc bộ bài chòi, nhằm bảo tồn và phát huy thành sản phẩm du lịch đặc trưng ở huyện Mộ Đức nhằm phục vụ khách tham quan, phát triển du lịch cộng đồng.
 
Bài, ảnh: MAI HẠ
 
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store. Xin cảm ơn!

.