Điểm tựa yêu thương- Kỳ cuối: Cô giáo như mẹ hiền

09:10, 06/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thấu hiểu những mất mát, thiếu thốn tình cảm của các em, không cần một sự chỉ đạo, hay mệnh lệnh nào, cũng như chế độ đãi ngộ, hàng trăm giáo viên của huyện miền núi Sơn Hà đã nhận đỡ đầu, để các em có một điểm tựa vươn lên trong cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

Họ làm điều này là bởi chính họ đã trưởng thành từ trong gian khó và hơn hết, với trái tim nhân hậu, biết chia sẻ, họ đã dành tình yêu thương thấm đẫm tình người dành cho học trò. Họ đã làm từ những điều nhỏ nhất, chỉ mong sao các em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn ấm lòng và tiếp tục vững bước đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác.

Yêu thương và chia sẻ

Sinh ra và lớn lên ở Sơn Hà, cô giáo người dân tộc Hrê Đinh Thị Năm cũng đã trải qua những tháng ngày “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”. Dù vậy, cô đã phấn đấu vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để học tập và được đứng trên bục giảng. Có lẽ vì thế mà nữ giáo viên này đã thấu hiểu hoàn cảnh học trò của mình. Ngày đầu nhận lớp, cô luôn trăn trở trước việc học sinh bỏ học. Vì thế, không những vận động các em đến lớp thường xuyên, mà cô giáo trẻ còn thắp lên trong mỗi học sinh niềm tin vào ngày mai tươi sáng.

Cô giáo Đinh Thị Năm luôn dành thời gian đến nhà giúp Khuya những công việc thường ngày.  Cuối tháng 9.2018, ngành giáo dục Sơn Hà đã tổ chức đêm văn nghệ “Điểm tựa yêu thương”. Chương
Cô giáo Đinh Thị Năm luôn dành thời gian đến nhà giúp Khuya những công việc thường ngày. 


Giờ đây, cô học sinh lớp 8 Đinh Thị Khuya xem cô giáo Năm như người chị, người mẹ thứ hai của mình. Cô bé mồ côi 14 tuổi phải thay mẹ nuôi em, thường xuyên bỏ học, vì không có áo quần để đến trường cũng như không ai chăm sóc em mình. Đồng cảm với hoàn cảnh của Khuya, ngoài những giờ trên lớp, cô giáo Năm thường xuyên đến nhà giúp đỡ hai chị em những sinh hoạt thường ngày. Vừa làm, cô trò vừa tâm sự, tạo động lực, giúp em cố gắng vượt lên khó khăn của cuộc sống.

Cô Năm còn kèm Khuya học thêm để bù đắp kiến thức khoảng thời gian em không đến lớp. Lương của giáo viên hợp đồng không nhiều, nhưng mỗi lần đến thăm, cô đều mua bánh kẹo cho hai chị em Khuya. Cô Năm tâm sự: “Có những đêm hai cô trò chuyện trò rất khuya. Mình kể lại những khó khăn của cuộc sống mà mình đã trải qua cho Khuya nghe. Chính điều đó đã giúp em có thêm động lực vượt qua hoàn cảnh hiện tại, để vươn lên trong học tập”.

Khác với trường hợp của Khuya, hoàn cảnh của em Đinh Văn Ngào còn khó khăn hơn nhiều. Sau khi mẹ mất, bố bỏ đi, Ngào và đứa em 10 ngày tuổi phải ở với ông bà nội đã già yếu. Những ngày không ốm đau, bà nội phải lên rừng kiếm củi bán lấy tiền mua sữa cho em. Ngào lớn lên với những bữa cơm trắng, với rau rừng. Từ cái ngày mẹ mất, Ngào trở nên ít nói, hay gây gổ trong lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Đức - Trường Mầm non Hướng Dương chia sẻ: “Lúc Ngào mới đến lớp thường xuyên đánh bạn và không nghe lời cô giáo. Mình đến nhà tìm hiểu thấy hoàn cảnh rất đáng thương. Mình cũng có con, thấy Ngào thiếu thốn tình cảm, nên dốc hết tình thương cho Ngào. Mình vui khi thấy Ngào ngày càng tiến bộ”.

Giờ đây Ngào đã lên lớp 1. Em rất chăm ngoan. Cô Đức không còn đưa đón em đến trường hằng ngày như trước nữa. Dù vậy, thỉnh thoảng, cô vẫn ghé nhà thăm, động viên em. Đầu năm học mới này, cô Đức đã giặt quần áo của con sạch sẽ, thơm tho và mang theo ít sách cũ cho Ngào học.

Tình yêu thương của cô giáo Năm, cô giáo Đức đã trở thành những điểm tựa cho Khuya, Ngào vững bước trên đoạn đường đầy chông gai ở phía trước.
 

Cuối tháng 9.2018, ngành giáo dục Sơn Hà đã tổ chức đêm văn nghệ “Điểm tựa yêu thương”. Chương trình nhằm tri ân các thầy cô giáo đã nhận đỡ đầu học sinh; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm đồng hành với ngành giáo dục Sơn Hà giúp trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục bám trường, bám lớp. Chương trình chạm đến trái tim của các nhà hảo tâm, nên đã nhận được số tiền hỗ trợ  gần 500 triệu đồng.

Chắp cánh ước mơ

Câu chuyện về các em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ và cả những tấm lòng nhân ái, yêu thương học trò hết mực của cô giáo Năm, cô giáo  Đức ở Sơn Hà đã khơi nguồn ý tưởng và hình thành nên một phong trào đầy nhân văn mà ngành giáo dục huyện Sơn Hà triển khai trong 2 năm qua. Đó là phong trào “Nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh học yếu, học sinh có nguy cơ bỏ học”. Từ phong trào này đã có nhiều mảnh đời mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có điểm tựa, để tiếp tục vững bước trên con đường học tập.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba Đặng Ngọc Việt: "Ngoài em Khuya, trường còn có 29 em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình thương của cha mẹ được các thầy cô giáo nhận đỡ đầu".

Với tình yêu thương, sự chia sẻ, sự đồng cảm của các thầy cô, đến nay, toàn huyện Sơn Hà đã có 550 thầy, cô giáo ở 39 đơn vị trường học nhận đỡ đầu cho 643 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Thị Thành, người khởi xướng phong trào này cho biết: “Phải tìm ra tận nguồn lý do vì sao các em đi học không đều, tại sao các em không muốn đến trường. Khi xác định được nguyên nhân, ngành giáo dục sẽ tìm ra các giải pháp để giúp đỡ phù hợp. Chính vì vậy, ngành đã phát động phong trào nhằm kêu gọi thầy cô chia sẻ với các em bằng tình yêu thương, xem học sinh như con em của mình. Quan tâm đến kết quả học tập của các em, bù đắp những thiếu thốn của học sinh trong khả năng có thể”.

Sau 2 năm triển khai, tất cả các học sinh do các thầy, cô giáo nhận đỡ đầu đã tiến bộ rõ rệt và không có em nào bỏ học. Có lẽ, đối với các thầy cô đã cống hiến hết sức mình cho giáo dục miền núi thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.