Khó khăn trong tuyển sinh ngành sư phạm

09:09, 19/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm nay, Bộ GD&ĐT đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khá cao đối với ngành sư phạm, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, các trường tuyển sinh ngành sư phạm, kể cả các trường tốp trên cũng không thể tuyển đủ chỉ tiêu.

TIN LIÊN QUAN

Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn ngành sư phạm đối với bậc đại học là 17 điểm, cao đẳng 15 điểm và trung cấp 13 điểm. Còn nếu xét học bạ thì bậc đại học ngành sư phạm phải là học sinh giỏi, bậc cao đẳng là học sinh khá. Trong khi đó, đề thi năm nay khó, nên kết quả điểm thi không cao so với mọi năm. So với mặt bằng điểm thi chung thì ngưỡng điểm Bộ GD&ĐT đưa ra đối với khối ngành sư phạm là khá cao, dẫn đến các trường gặp khó trong công tác tuyển sinh, nhất là trường địa phương.

 

 Cần có chính sách đãi ngộ để thu hút học sinh khá, giỏi vào học ngành sư phạm. Trong ảnh: Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ) trong giờ học.
Cần có chính sách đãi ngộ để thu hút học sinh khá, giỏi vào học ngành sư phạm. Trong ảnh: Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ) trong giờ học.


Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Đình Thám cho biết: Năm nay, trường được giao tuyển trên 700 chỉ tiêu ngành sư phạm. Trong đó, bậc đại học sư phạm 4 ngành, bậc cao đẳng sư phạm có 11 ngành và trung cấp sư phạm 3 ngành. Tuy nhiên, trường chỉ đảm bảo tuyển sinh được các khối ngành kỹ thuật, tin học; cao đẳng sư phạm tiếng Anh, sư phạm Âm nhạc, sư phạm Giáo dục mầm non, tiểu học. Đối với  tuyển sinh bậc đại học, các ngành sư phạm đều khó.
 

“Bộ GD&ĐT nâng ngưỡng đầu vào quá cao, nên cơ hội trúng tuyển của thí sinh không nhiều. Bên cạnh đó, địa bàn tuyển sinh ngành sư phạm của trường địa phương chỉ giới hạn trong tỉnh; yếu tố việc làm vẫn chưa được đảm bảo nên không hút thí sinh. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều địa phương cắt giảm biên chế, chấm dứt hợp đồng giáo viên, tình trạng sinh viên sư phạm ở nhiều địa phương ra trường không có việc làm còn rất nhiều”.


Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng
TRẦN ĐÌNH THÁM

Ông Trần Đình Thám cho biết thêm, theo định hướng của Bộ GD&ĐT, thời gian tới trường hạn chế đào tạo mới ngành sư phạm, thay vào đó là đẩy mạnh chương trình đào tạo lại cho giáo viên.

Để đảm bảo chuẩn chức danh nghề nghiệp, yêu cầu giáo viên phải tham gia các chương trình bồi dưỡng như: Nâng hạng giáo viên, đảm bảo trình độ ngoại ngữ, tin học, đổi mới phương pháp giảng dạy... nhằm đáp ứng đổi mới chương trình sách giáo khoa mới theo lộ trình từ năm học 2019-2020.

Giáo viên phải dạy tích hợp chứ không thuần túy như trước đây. Vì vậy, trường sẽ tập trung xây dựng các chương trình bồi dưỡng dành cho giáo viên phù hợp với nhu cầu thực tế nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành sư phạm của địa phương.

Việc Bộ GD&ĐT siết chặt đầu vào, để nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành sư phạm là phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề xã hội quan tâm hiện nay là cần có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp thì mới thu hút được người giỏi. Để tháo gỡ khó khăn cho các trường, Bộ GD&ĐT cần tính toán kỹ nguồn đầu vào của ngành sư phạm, thực hiện có lộ trình, tránh tình trạng đề ra mức điểm sàn quá cao, dẫn đến các trường không tuyển sinh được, gây thiếu hụt nguồn nhân lực ngành sư phạm trong thời gian đến.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.