"Đưa đò" giữa đại ngàn

09:08, 31/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa đại ngàn, tiếng học trò vẫn ê a đọc chữ. Bên cạnh các em là những thầy, cô giáo như mẹ hiền, chấp nhận phần thiệt thòi về mình, băng rừng, lội suối để vận động học sinh ra lớp, dạy các em nắn nót, đánh vần từng con chữ...

Các cô giáo giữa đại ngàn mà tôi gặp là những người “đưa đò" thầm lặng. Với họ, sự vất vả, hy sinh không thể kể hết bằng lời, nhưng được cống hiến, được đứng trên bục giảng để dìu dắt học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số là cả một niềm hạnh phúc vô bờ.

Yêu nghề bằng cả trái tim

Đầu năm học mới, chúng tôi trở lại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ), cách TP.Quảng Ngãi hơn 100km. Cô giáo Dương Thị Dược đang cùng học sinh chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.  Suốt 26 năm đứng trên bục giảng, cô Dược có gần 20 năm bám các điểm trường lẻ ở xã vùng cao Ba Xa. Không biết bao nhiêu đêm cô khóc vì học trò bỏ lớp, không biết bao nhiêu ngày trèo núi, băng rừng, vào tận làng để vận động các em đến trường, cùng các em vượt qua cái lạnh, cái đói giữa đại ngàn để thắp lên ngọn lửa tri thức trong lòng mỗi học sinh. Tình yêu nghề, đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn.

 Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Huyền luôn mong được cống hiến sức trẻ cho ngành giáo dục vùng đất quế Trà Bồng.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Huyền luôn mong được cống hiến sức trẻ cho ngành giáo dục vùng đất quế Trà Bồng.


Cuộc đời cô giáo Dược như những "lát cắt" của sự thách thức để vượt lên chính mình. Cô Dược nhớ lại, năm 1992, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Ngữ văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ, cô về nhận công tác tại tỉnh Bạc Liêu. Đến năm 1999, chồng cô không may gặp tai nạn nên cô xin về công tác tại Trường THCS Ba Vì (Ba Tơ) để tiện chăm sóc chồng con. Cô Dược nhớ như in những ngày đầu về công tác tại Ba Vì. “Lúc đó, con còn nhỏ, chồng thì bị bệnh, khó khăn chồng chất. Hôm nào cũng phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng cho chồng, con rồi mới đi dạy.  Ngày ấy, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa.

Con đường từ nhà đến trường chỉ 10km, nhưng phải đi gần 2 giờ đồng hồ. Nhiều hôm mưa lớn, đường sạt lở, nguy hiểm vô cùng...", cô Dược kể. Đến năm 2008, cô Dược được luân chuyển về giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Ba Xa cho đến nay.

Cô giáo Dược chia sẻ: Sự trưởng thành của các thế hệ học sinh người dân tộc thiểu số là niềm hạnh phúc và cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Khát vọng của tuổi trẻ

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta...” là câu hát mà cô giáo sinh năm 1991, Nguyễn Thị Ngọc Huyền thường hay hát mỗi khi chiều buông xuống sau ngọn núi Cà Đam. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất hiếu học xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), Huyền luôn mơ ước trở thành cô giáo.

“Hiện trường còn thiếu giáo viên, nhất là ở các điểm trường lẻ, cách trường chính chừng 40-50km, em muốn ở lại đây để cùng học trò vươn lên trong gian khó. Thấy học sinh lớn lên từng ngày và mỗi ngày lại biết thêm những kiến thức mới, em rất vui và hạnh phúc”.


NGUYỄN THỊ NGỌC HUYỀN, giáo viên điểm trường
thôn Nước Nia, xã Trà Bùi (Trà Bồng).


Điều ước đó cũng thành hiện thực khi Huyền đỗ vào ngành sư phạm tiểu học của Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Năm 2012, Huyền tốt nghiệp và được dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Bùi (Trà Bồng). Cô Huyền cho biết, năm học 2013-2014 được phân công giảng dạy tại điểm trường thôn Quế, nằm giữa lưng chừng của dãy núi Cà Đam hùng vĩ.

Để đến được điểm trường phải chạy xe máy từ thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) lên xã Trà Lãnh, rồi qua xã Trà Trung (Tây Trà) khoảng 50 km, sau đó đi bộ mất 2 giờ đồng hồ mới đến nơi. Điều kiện kinh tế khó khăn, phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em, nên tình trạng học sinh học giã gạo, bỏ học còn nhiều. Khó khăn chồng chất, nhưng với khát vọng của tuổi trẻ, Huyền chưa một lần chùn bước. Có nhiều hôm Huyền phải đến từng nóc nhà để cõng học sinh ra lớp. Huyền luôn suy nghĩ, trẻ em vùng cao chịu nhiều thiệt thòi nên bản thân sẽ đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở mảnh đất nghèo khó này.

Năm học 2017-2018, Huyền được chuyển về giảng dạy tại điểm trường thôn Nước Nia (Trà Bùi), cách điểm trường chính 40km. Giờ nhìn học trò tiến bộ, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, Huyền rất vui. Dù là giáo viên trẻ, nhưng Huyền luôn được ban giám hiệu tin tưởng giao nhiệm vụ dạy lớp ghép, một hình thức dạy đặc thù mà không có trường sư phạm nào đào tạo, nhưng Huyền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Buổi sáng dạy lớp ghép 1-2, buổi chiều dạy lớp 3. Tối đến Huyền dạy kèm cho học sinh yếu kém để các em theo kịp chương trình. Chỉ sau một năm, các em đã có sự tiến bộ rõ rệt. Điều đó đã mang đến cho Huyền niềm vui rất lớn và có thêm động lực để giúp đỡ học trò vùng cao.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG



 


.