Đỗ đại học, nhưng trượt tốt nghiệp: Những cú trượt đau đớn

10:07, 19/07/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, hàng trăm thí sinh đủ điểm đỗ vào các trường ĐH, nhưng trượt tốt nghiệp vì điểm liệt (điểm 1 trở xuống), đồng nghĩa với việc tạm khép lại con đường tiến lên đại học. 

TIN LIÊN QUAN

Điểm liệt 2018 đã quy định rất rõ trong Thông tư số 04 ngày 28.2.2018 của Bộ GD - ĐT sửa đổi một số điều quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp năm 2018. Điểm liệt là 1 điểm trở xuống. Theo quy định, học sinh sẽ không được xét tốt nghiệp nếu có môn thi bị điểm liệt. 
 
Đề thi trắc nghiệm mỗi câu hỏi có 4 lựa chọn. Bộ ấn định số câu có câu trả lời đúng A, B, C, D là như nhau. Nhiều người cho rằng, với phương thức thi trắc nghiệm, không nắm được kiến thức, thí sinh cũng có thể “khoanh bừa”  toàn bộ bài thi theo một phương án A B, C hoặc D, là yên tâm có 2,5 điểm. 
 
Chủ quan dẫn đến thực tế oái oăm là không ít học sinh có điểm xét tuyển ĐH khối A, B rất cao, thậm chí “thừa sức” đỗ vào các trường ĐH tốp đầu nhưng lại trượt tốt nghiệp vì môn tiếng Anh bị liệt. Hầu hết thí sinh rớt tốt nghiệp THPT chủ yếu vì vướng điểm liệt. Rất ít thí sinh không bị điểm liệt mà có tổng điểm xét tuyển dưới 5 điểm.
 
Theo phổ điểm mà Sở GD - ĐT Quảng Ngãi vừa công bố, trong 9 môn thi thì có đến 8 môn thi có thí sinh bị điểm liệt, trong đó Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và GDCD đều có thí sinh bị điểm 0. Điều đó chứng tỏ, rất nhiều thí sinh chủ quan, không đầu tư công sức để làm bài ở những môn không xét tuyển ĐH, khoanh bừa, nhưng không đúng được 1 câu nào. 
 
 
Nhiếu thí sinh không nỗ lực làm bài mà khoanh bừa cùng 1 đáp án từ trên xuống, dẫn đến bị điểm liệt. Ảnh: minh họa.
Nhiếu thí sinh không nỗ lực làm bài mà khoanh bừa cùng 1 đáp án từ trên xuống, dẫn đến bị điểm liệt. Ảnh: minh họa.
 
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, năm đầu tiên thi theo hình thức tổ hợp và thi trắc nghiệm tất cả các môn, ngoại ngừ môn ngữ văn, duy nhất chỉ có 1 đơn vị đỗ tốt nghiệp đạt 100% là Trung tâm GDNN-GDTX Sơn Hà. Ở khối THPT, không có trường nào đạt tỷ lệ 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. 
 
Trường THPT Chuyên Lê Khiết “cánh chim đầu đàn” của ngành giáo dục tỉnh nhà, nơi “mặc nhiên” là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phải 100% cũng ngậm ngùi khi có 1 thí sinh trượt tốt nghiệp.
 
Thí sinh này chỉ khoanh 5/40 câu đáp án của 1 bài thi trong tổ hợp khoa học tự nhiên, bỏ trống tất cả câu hỏi còn lại. Bài thi của em đúng được 4 câu (1 điểm), dù điểm xét tuyển ĐH của thí sinh này có thể đỗ vào ĐH Bách khoa. 
 
Trong kỳ thi năm 2018, tình trạng này cũng không cải thiện là mấy. Tại Trường THPT số 1 Tư  Nghĩa có 1 thí sinh tên P là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý, điểm xét tuyển ĐH khối A lên đến 22 điểm vẫn bị trượt tốt nghiệp vì điểm môn tiếng Anh chỉ đạt 0,8 điểm. Thông thường, học sinh thi khối A và B không chú trọng, thậm chí coi thường môn Ngữ văn và môn tiếng Anh.
 
Thầy Lâm Tín- Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa cho rằng, đỗ ĐH, nhưng trượt tốt nghiệp là cú trượt “đau lòng”. Nguyên nhân là tình trạng này là học sinh chủ quan, coi thường các môn không đăng ký xét tuyển ĐH. Điển hình như thí sinh P, dành phần lớn thời gian làm bài thi môn tiếng Anh chỉ để “ngủ”.
 
 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. 

 
Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Tấn Huy, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết gọi đây là những cú trượt “đau đớn”. Rất khó để các em không học lệch, không ảo tưởng bắt buộc các em học đều tất cả các môn. Học sinh dồn sức vào các môn xét tuyển ĐH là lẽ đương nhiên. Sâu xa của tình trạng này là các em lơ là, coi thường, không nỗ lực hoặc chủ quan vì điểm học bạ và điểm các môn xét tuyển ĐH bù lại.
 
Đơn cử như ở môn Ngữ văn, nếu thí sinh chịu học, ôn tập, ở phần đọc hiểu là những kiến thức cơ bản nhất, các em hoàn toàn có thể kiếm được 3 - 4 điểm. Chỉ có những em không muốn tốt nghiệp mới bị điểm liệt.
 
Với đề thi năm 2018, dù dư luận đánh giá chung là khó hơn đề thi các năm trước, nhưng 50% câu hỏi đầu tiên trong bài thi đều nằm trong chương trình học và ôn tập. Thí sinh trung bình vẫn có khả năng làm được phân nửa số câu trắc nghiệm và đạt 5 điểm.
 
Nhiều người đưa ra phương án “giải cứu”, nên “đặc cách” cho các em vào ĐH. Đến kỳ thi năm sau thí sinh sẽ thi để trả nợ. 
 
Thầy Nguyễn Tấn Huy cho rằng, điều này là hoàn toàn không nên. Những học sinh này trượt tốt nghiệp là việc hiển nhiên và cần thiết. Một học sinh đến kiến thức tối thiểu cũng không thể vượt qua được thì không xứng đáng để “đặc cách” vào ĐH, mà đó mà bài học “xương máu” cho các em.
 
 
Bài, ảnh: C.P
 
 

.