Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng

02:05, 24/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước thực trạng ngày càng có nhiều giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức.

TIN LIÊN QUAN

Quán triệt đạo đức nhà giáo trong toàn ngành

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nguyễn Trà cho biết, theo Bộ GD&ĐT, thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội. Vì vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, quy chế làm việc và quy tắc ứng xử của đơn vị tới tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và người học.

 

Cô và trò  Trường Tiểu học Ba Vì (Ba Tơ).    Ảnh: M.Hạ
Cô và trò Trường Tiểu học Ba Vì (Ba Tơ). Ảnh: M.Hạ

Tăng cường thanh, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm; đồng thời vinh danh, tuyên truyền nhân rộng những tấm gương nhà giáo tận tụy, hết lòng vì học sinh để lan tỏa trong toàn ngành.

Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ thị của Bộ GD&ĐT; phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra. Đẩy mạnh công tác truyền thông của ngành, nhằm phản ánh, tuyên dương những gương người tốt việc tốt, những tấm gương thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục gương mẫu, tận tụy vì sự nghiệp giáo dục.

Người thầy phải là tấm gương sáng

Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Nguyễn Thành Vĩnh cho rằng: Dù ở thời đại nào thì nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý và được xã hội tôn vinh. Việc một số thầy cô giáo vi phạm đạo đức nhà giáo gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là một thực tế đáng buồn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta đánh đồng tất cả. Các bậc phụ huynh cần phối hợp với thầy, cô giáo để giáo dục con một cách tốt nhất; tránh để xảy ra những sự việc trái với lương tâm, đạo lý, trái với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trần Ngọc Ngân thì chia sẻ, đi đôi với dạy kiến thức cho học sinh, người thầy phải linh hoạt lồng ghép dạy về đạo đức, nhân cách, lối sống cho các em. Ngày xưa, người thầy luôn dạy đạo đức trước rồi mới dạy kiến thức cho các em. Người xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nghĩa là, trước tiên con người phải học lễ nghĩa, đạo lý làm người, sau đó mới học văn chương, chữ nghĩa và các lĩnh vực khác. Muốn dạy điều này cho các em, trước hết người thầy phải gương mẫu về đạo đức, tận tụy với nghề.

Ông Trần Ngọc Ngân cho biết thêm, để có những thầy, cô giáo thật sự tâm huyết, yêu nghề, yêu trò, đòi hỏi những cơ sở đào tạo ngành sư phạm phải đổi mới nội dung, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Đình Thám chia sẻ: Đối với khối ngành sư phạm, ngoài kiến thức chuyên ngành thì các em cũng được học nhiều về phương pháp dạy học và kỹ năng sư phạm. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục tăng cường tổ chức các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập sư phạm để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cho sinh viên ngành sư phạm.


M.HẠ - TR.PHƯƠNG



 


.