Miền đất học

08:02, 21/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi xưa nay là vùng đất có truyền thống hiếu học. Dẫu cuộc sống còn bề bộn những khó khăn, nhưng các gia đình, dòng họ đều tích cực chăm lo việc học cho con cháu...

TIN LIÊN QUAN

Trước thềm Xuân mới, về các vùng đất học có tiếng của tỉnh, đến đâu chúng tôi cũng nghe bàn tính kế hoạch khen thưởng, gặp mặt các học sinh tiêu biểu, hiếu học và đỗ đạt cao của quê hương.

Đất học Trà Bình

Cuối năm, mọi người bận rộn lo toan Tết cũng là lúc Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bình (Trà Bồng), kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đỗ Văn Tín tất bật lo vận động cho quỹ khuyến học, để khen thưởng cho các cháu có thành tích học tập xuất sắc trong ngày đầu Xuân. Ông Tín cho biết, Trà Bình là vùng đất học có tiếng ở Trà Bồng và cả Quảng Ngãi. Ngọn lửa của tinh thần hiếu học được thắp sáng từ những năm 1980 của thế kỷ trước và gìn giữ cho đến ngày nay.

 Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Trà Bình Đỗ Văn Tín trao học bổng cho học sinh giỏi, năm học 2016 - 2017 trên địa bàn xã.
Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Trà Bình Đỗ Văn Tín trao học bổng cho học sinh giỏi, năm học 2016 - 2017 trên địa bàn xã.


Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào trong máu thịt của người dân xã miền núi này. Nhiều con em địa phương nối tiếp nhau đỗ đạt cao, làm rạng danh quê hương, như PGS.TS Võ Phán - Giảng viên Trường Đại học Xây dựng TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ- Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng... Ông Tín, chia sẻ: Người dân Trà Bình luôn lấy tấm gương PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ để dạy bảo con cháu. Ông Vũ là trẻ mồ côi cha mẹ, nhưng luôn cố gắng học tập và thành danh trên con đường học vấn. Vào giảng đường đại học, ông vừa học, vừa làm thêm và sau đó lấy bằng tiến sĩ tại Pháp.

Từ gương sáng ấy, người dân Trà Bình coi sự thành đạt trong mỗi gia đình, dòng tộc là kết quả học tập và sự trưởng thành của con cháu, chứ không phải là tiền bạc, nhà lầu, xe hơi... Nơi đây đã sinh ra nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành và hàng trăm em tốt nghiệp đại học, cao đẳng thành danh trên mọi miền đất nước. Ông Đỗ Tấn Minh, một nông dân chính hiệu, có 5 người con học hành thành đạt, tự hào nói: Tài sản của gia đình là những tấm bằng kỹ sư, cử nhân của các con.

Làng quê hiếu học

Bình Dương - quê hương của nhà thơ Tế Hanh trong những ngày cuối năm Đinh Dậu rộn ràng không khí Tết. Về xã nông thôn mới đầu tiên của Quảng Ngãi, cũng là vùng đất hiếu học của huyện Bình Sơn, ai cũng cảm nhận được những đổi thay rất lớn của làng quê nằm cuối con sông Trà Bồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương Nguyễn Văn Tin, kể: Năm 1923, ông Ban Trần - một nhà nho ở Bình Dương tự quyên góp tiền mua đất xây dựng Trường Đông Yên, khởi xướng phong trào học tập từ đó. Học trò các xã lân cận tìm về trọ học đã tạo nên phong trào học tập sôi nổi giữa vùng quê nghèo khó. Hiện nay, ở  Bình Dương hầu như gia đình nào cũng có con vào đại học.

Nói đến Bình Dương, người ta nhớ đến miền quê bên dòng sông Trà Bồng thơ mộng, được khắc họa trong bài thơ "Nhớ con sông quê hương" của nhà thơ Tế Hanh. Cùng với ông Trần Hoàng, nhà thơ Tế Hanh cũng là người đỗ tú tài từ thời Pháp thuộc. Người em của Tế Hanh là nhạc sĩ Thế Bảo hiện là phó giáo sư, tiến sĩ âm nhạc.

Ông Tin cho biết: Đến nay, xã có hàng trăm người tốt nghiệp đại học, trong đó có 10 tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư... Nhiều người đã học hành đỗ đạt và thành danh, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Trung ương và ở các tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Thuận... Họ đã góp phần làm rạng danh quê hương, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước. Tiêu biểu cho những gia đình hiếu học trong những năm gần đây là gia đình ông Lê Văn Hữu. Tuy làm nghề nông, nhưng ông Hữu đã nuôi dạy 5 người con đều đỗ đại học, hiện giờ là kỹ sư, bác sĩ và có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học của xã. Gia đình ông Cao Ngọc Liên cũng có 8 người con đều học hành thành đạt. Trong đó, bà Cao Ngọc Dung, con ông Liên, từ nhiều năm qua đã đóng góp cho địa phương hơn 26 tỷ đồng, để xây dựng cơ sở hạ tầng, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó...

Khuyến học đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa rộng lớn ở Quảng Ngãi, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều gia đình, dòng họ. Không chỉ có Trà Bình, Bình Dương mà các xã Đức Tân (Mộ Đức), Hành Nhân, Hành Dũng (Nghĩa Hành), Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), Nghĩa Lâm, Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa)... cũng là vùng đất hiếu học nức tiếng của Quảng Ngãi. Trong câu chuyện năm mới, cùng với việc mừng tuổi ông bà, hỏi thăm sức khỏe, bên chén trà, ly rượu ngày Xuân, mọi người đều chúc nhau con cháu học hành đỗ đạt và thành danh trên bước đường đời.


Sông Thương

 


.