Cơ hội việc làm từ Dung Quất

02:01, 09/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- KKT Dung Quất đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, các dự án đầu tư vào KKT Dung Quất đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương.

Chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp

Chị Phạm Thị C (25 tuổi), quê ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn), nhân viên Công ty Doosan Vina, cho biết: Gia đình chị làm nông từ bao đời nay. Thấy ba mẹ làm lụng hết sức nhọc nhằn, nhưng cuộc sống cũng không khá lên được, nên chị quyết tâm phải học hành đến nơi đến chốn để thoát khỏi nghề nông.

Doosan Vina là doanh nghiệp FDI dẫn đầu trong giải quyết việc làm cho người lao động tại KKT Dung Quất.
Doosan Vina là doanh nghiệp FDI dẫn đầu trong giải quyết việc làm cho người lao động tại KKT Dung Quất.


“Ước mơ của tôi là được làm việc tại NMLD Dung Quất, nên tôi theo học ngành hóa dầu, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, tốt nghiệp ra trường do không xin vào Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được, nên mới xin vào làm việc tại Doosan Vina. Mặc dù làm việc trái ngành học, nhưng thu nhập cũng tương đối, khá hơn làm nông rất nhiều, đảm bảo cuộc sống”, chị C cho biết. Còn chồng chị C là anh Trần Khánh H, sau khi đi bộ đội về và học trung cấp lắp ráp ô tô, cũng xin vào làm tại Doosan Vina, với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.

Vợ chồng chị Phạm Thị C là một trong rất nhiều trường hợp lao động nông thôn chuyển sang làm công nghiệp. Chính sự hình thành của các nhà máy, xí nghiệp hoạt động tại KKT Dung Quất đã kéo một lực lượng lớn lao động nông nghiệp sang công nghiệp. Những dự án lớn đầu tư vào Dung Quất thời gian qua như NMLD Dung Quất, Doosan Vina, Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi...  đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn trong tỉnh. Đồng thời, góp phần rèn luyện người lao động nông thôn tác phong làm việc công nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Cơ hội việc làm từ các dự án lớn

Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Đàm Minh Lễ, cho biết: Năm 2017, tình hình thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc, với nhiều dự án quy mô lớn được cấp giấy phép/chủ trương đầu tư như: Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất với vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng, Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp của Tập đoàn Messer (Đức) với vốn đầu tư 90 triệu USD, Nhà máy nhựa đường Việt Nam của Tập đoàn Pields Engineering (Hàn Quốc) với vốn đầu tư 69 triệu USD...

 “Tất cả những dự án lớn này, sau khi triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động của tỉnh. Ban Quản lý cũng đang xây dựng đề cương đề án đào tạo, giải quyết việc làm và chuyển đổi ngành nghề lao động cho các hộ dân nhường đất cho dự án trên địa bàn KKT Dung Quất”, ông Lễ cho hay.

Cũng theo ông Đàm Minh Lễ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Quản lý xác định trong năm 2018 là sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương liên quan để giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm cho lao động ở các địa phương.

Năm 2017, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh tương đối ổn định. Đến thời điểm hiện nay, có 152 doanh nghiệp đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 116 doanh nghiệp hoạt động ổn định, 19 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ ước thực hiện 84.000 tỷ đồng; nộp ngân sách trên 10.580 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 308 triệu USD (tăng 12% so với năm 2016).


Bài, ảnh: PHẠM DANH
 


.