(Báo Quảng Ngãi)- Ở các trường có tổ chức bán trú, vai trò của nhân viên cấp dưỡng là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay chế độ đối với nhân viên cấp dưỡng còn hạn chế, dẫn đến nhiều người không mấy "mặn mà" với công việc.
Xác định tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, trong những năm qua, cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, ngành giáo dục huyện Tư Nghĩa chú trọng đến việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh ở các trường có tổ chức bán trú. Không chỉ bậc mầm non, mà cả nhân viên cấp dưỡng bậc tiểu học cũng được địa phương quan tâm.
Các cô cấp dưỡng tham gia hội thi "Cô nuôi trẻ giỏi" |
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Trương Quang Dũng cho biết, trong điều lệ trường học có quy định cấp dưỡng thuộc thành viên của tổ chuyên môn, nhưng trong Thông tư 06 của Bộ GD&ĐT không chỉ định vị trí cứng việc làm của cấp dưỡng. Vì vậy, các cô không được hợp đồng theo Nghị định 68, mà chỉ hợp đồng có tính chất thời vụ, hợp đồng năm.
Sở GD&ĐT vừa tổ chức hội thi "Cô nuôi trẻ giỏi". Tham gia hội thi có 65 cô cấp dưỡng, đại diện cho hơn 800 nhân viên cấp dưỡng đến từ các trường mầm non của 14 huyện, thành phố. Hội thi được tổ chức nhằm tuyển chọn, công nhận nhân viên cấp dưỡng giỏi cấp học mầm non trong tỉnh, tạo điều kiện để nhân viên cấp dưỡng thể hiện năng lực, nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non. |
Chế độ đối với nhân viên cấp dưỡng quá thấp, nên nhiều người không "mặn mà" với công việc, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức bán trú ở các trường. Trước thực trạng đó, Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa đã tham mưu UBND huyện xem xét nâng mức lương cho nhân viên cấp dưỡng theo mức lương vùng. Hiện nay, nhân viên cấp dưỡng có bằng cấp được hưởng mức lương hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo ông Trương Quang Dũng, nhân viên cấp dưỡng vẫn chưa được đảm bảo các quyền lợi nhất định.
Chị Nguyễn Thị Thủ (41 tuổi) đã có thâm niên làm cấp dưỡng 15 năm tại Trường Tiểu học thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cho biết, đến nay mức lương cũng chỉ 2,4 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có bất cứ quyền lợi gì khác. Chồng chị Thủ bị tai biến nằm một chỗ đã nhiều năm nay. Cả nhà 3 miệng ăn dựa vào 2,4 triệu đồng từ tiền lương cấp dưỡng của chị Thủ. Để đảm bảo cuộc sống, chị Thủ phải đi làm thêm vào ngày thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Điều chị Thủ và các cô cấp dưỡng mong muốn đó là được trả lương xứng đáng và đảm bảo các quyền lợi về bảo hiểm để các cô yên tâm làm việc.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT) Phạm Thị Thanh Hà, do thông tư quy định chưa rõ ràng, cứ 35 trẻ nhà trẻ và 50 trẻ mẫu giáo thì trường mầm non được hợp đồng 1 nhân viên nấu ăn, nhưng chưa chỉ rõ hợp đồng theo chế độ nào, hoặc nguồn kinh phí ở đâu, dẫn đến sự chưa thống nhất trong quá trình thực hiện. Vì vậy, UBND tỉnh đã giao Sở GD&ĐT tổng hợp việc thực hiện chế độ chính sách cho các cô cấp dưỡng trên toàn tỉnh và đề xuất với UBND tỉnh hướng giải quyết chế độ sao cho thỏa đáng. Hiện nay, Phòng Giáo dục mầm non của Sở đã hoàn thành nhiệm vụ tổng hợp việc thực hiện chi trả cho nhân viên cấp dưỡng ở các trường học, hiện đang phối hợp với Phòng Kế hoạch-Tài chính đề xuất các phương án, nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân viên cấp dưỡng.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG