Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

03:04, 17/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT vừa chỉ đạo ngành giáo dục địa phương tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là việc làm cấp bách, nhằm giúp trẻ lĩnh hội kiến thức phổ thông theo phương pháp đổi mới giáo dục hiện nay ở các bậc học cao hơn.

TIN LIÊN QUAN

Tại trường mầm non ở các huyện miền núi trong tỉnh, đa số trẻ mẫu giáo, mầm non và học sinh đầu cấp tiểu học là con em người đồng bào DTTS chưa rành tiếng Việt. Điều này gây khó khăn cho các em trong quá trình tiếp thu kiến thức.

Cô trò đều phải học

Đến thăm một lớp học tại Trường Mầm non Hoa Mai, ở xã Sơn Trung (Sơn Hà), do cô Mai Thị Phương đảm nhận chúng tôi cảm nhận, được phần nào sự vất vả của các cô giáo dạy trẻ nơi đây. Đa số trẻ ở đây là con em đồng bào Hrê đang bắt đầu tập nói, khả năng nói tiếng Việt rất hạn chế. Vì thế, để các em hiểu các quy định của lớp như xếp hàng, chào cô giáo, hiểu các vật dụng đồ chơi... cô giáo phải làm các động tác bằng tay; dùng các đồ chơi minh họa, vừa phiên tiếng Hrê qua tiếng Việt để các em hiểu.

Giáo viên Trường Mầm non Ánh Dương (Minh Long) Lê Thị Hoàng Trinh dạy tiếng Việt cho trẻ thông qua các vật dụng, đồ chơi.
Giáo viên Trường Mầm non Ánh Dương (Minh Long) Lê Thị Hoàng Trinh dạy tiếng Việt cho trẻ thông qua các vật dụng, đồ chơi.


Cô Phương bộc bạch: Ngày đầu nhận dạy trẻ vùng cao bỡ ngỡ nhiều lắm; đa số các em đều rụt rè, không chịu vào lớp. Tôi phải tự tìm hiểu và học tiếng Hrê rồi phiên qua tiếng Việt để dạy cho các em.

Cô Đinh Thị Sơn, giáo viên Trường Mầm non Ánh Dương (Minh Long) chia sẻ thêm: Trước đây, tôi dạy ở xã Long Sơn, đa số là trẻ đồng bào Hrê nên khi dạy, cô và trò đều phải học hỏi lẫn nhau. Để các em hiểu, tôi vừa dùng các cử chỉ lẫn lời nói để giúp trẻ nhận biết chữ, hiện vật xung quanh bằng tiếng Việt và cả tiếng Hrê.

Phổ cập mọi lúc, mọi nơi

Thực tế, dù giáo viên có nhiều cố gắng, nhưng việc tiếp thu tiếng Việt của trẻ DTTS còn nhiều hạn chế, vì sau những giờ trên lớp, các em trở về nhà đều giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, nhiều trẻ vào lớp đầu cấp tiểu học vẫn chưa rành tiếng Việt, làm ảnh hưởng lớn đến việc tiếp thu kiến thức trong chương trình giáo dục chung. Do đó, mới đây Bộ GD&ĐT tiếp tục có văn bản chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS.

Theo đó, các địa phương phải rà soát việc xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ người DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non theo bộ tiêu chí. Trong quá trình dạy trẻ phải chú ý đến việc phân loại khả năng tiếng Việt của trẻ để có phương pháp, nội dung tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng trẻ; tăng thời lượng tập nói tiếng Việt, đặc biệt là đối với những trẻ mới ra lớp; tạo cơ hội giao tiếp cho trẻ bằng tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi; lồng ghép tăng cường tiếng Việt vào các hoạt động giáo dục trẻ...

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, xã Sơn Trung Nguyễn Thị Học chia sẻ: Trường có gần 100% trẻ là con em người đồng bào DTTS, nên trường chủ trương dạy trẻ tập nói bằng tiếng Việt với các từ gần gũi đến câu đơn giản rồi mới đến câu phức tạp.  Khi trẻ mới ra lớp, cô giáo chỉ dạy một vài từ tiếng Việt. Khi trẻ có một số vốn từ nhất định thì mới tăng thời gian dạy tiếng. Mỗi tiếng được minh họa bằng các đồ dùng, đồ chơi, nên giúp trẻ dễ hình dung, dễ nhớ. Trong các giờ hoạt động hay sinh hoạt ngoài trời, các cô đều dùng tiếng Việt giải thích các sự vật, hiện tượng xung quanh các em.

Để nâng cao khả năng tiếng Việt cho trẻ em người đồng bào DTTS, ngoài nỗ lực của giáo viên, ngành giáo dục cần tăng cường bồi dưỡng nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt; phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ xây dựng các CLB đọc sách, hướng dẫn cha mẹ tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà... đồng thời cung cấp đầy đủ tài liệu, học liệu cho giáo viên và học sinh. Có như vậy, mới đảm bảo chất lượng dạy tiếng Việt cho trẻ  là con em đồng bào DTTS.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.