Ôn tập cho học sinh THPT vùng cao

08:04, 11/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với hình thức thi mới hiện nay, buộc mỗi học sinh phải thể hiện năng lực thực của chính mình, vì mỗi em đều có một đề thi riêng. Ngoài cách thức thi, thì số lượng môn bắt buộc thi cũng mới so với những năm trước. Vì thế, hiện nay thầy và trò ở nhiều trường THPT vùng cao trong tỉnh đang tập trung ôn tập.

TIN LIÊN QUAN


Thầy trò đều lo

Tháng tư, thời điểm đồng bào vùng cao xã Ba Vì (Ba Tơ) bước vào mùa thu hoạch lúa, keo, mây... Học sinh người Hrê ở độ tuổi cấp ba thường là lao động chính trong mỗi gia đình. Thế nhưng, trong các lớp học khối 12 Trường THPT Phạm Kiệt (Ba Tơ) vẫn đảm bảo sĩ số. Em Phạm Văn Sát, lớp 12B cho biết: “Nghe thầy cô phổ biến hình thức và quy chế  thi em lo lắm. Bởi từ hình thức thi đến môn thi đều mới, không giống như mấy anh chị năm trước thi, nên em không học hỏi được gì. Nhà đến mùa gặt, nhưng em xin cha mẹ cho đến trường học đầy đủ và  ôn tập cùng các bạn”.

Trường THPT Phạm Kiệt tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh khối 12.
Trường THPT Phạm Kiệt tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh khối 12.


Em Phạm Văn Sát cũng chia sẻ là rất sợ môn Toán và tiếng Anh. Qua các đợt kiểm tra và thi học kỳ I vừa qua, em chỉ làm bài được khoảng 20%. Được biết, trong các đợt kiểm tra và kỳ thi học kỳ, Trường THPT Phạm Kiệt đều áp dụng hình thức thi, đề  thi theo mẫu của Bộ GD&ĐT. Mỗi em đều có đề thi khác nhau, ngồi xen lẫn nhau... Còn em Lê Thị Hồng Đào thì cho biết, môn Toán và tiếng Anh học kỳ I vừa qua em làm khoảng 60% đề thi, bởi đề thi dài và quá khó.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, học sinh thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tự chọn 1 trong số 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Quy chế thi cũng mở cho học sinh là có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong trường hợp này, điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT, nhưng tránh điểm liệt trong mỗi tổ hợp bộ môn (điểm liệt từ 1 điểm trở xuống).

Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng  (Sơn Tây) Bùi Thế Giới lo lắng, ngoài số lượng môn thi quá nhiều so với các năm trước (2 môn) thì hình thức thi cũng là trở ngại khá lớn với học sinh ở vùng cao. Toàn trường có 120 học sinh khối 12, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số.
        
Tập trung ôn thi lấy điểm xét tốt nghiệp

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Kiệt Phạm Tấn Minh Cảnh, cho biết, toàn trường có 74 học sinh khối 12 thì chỉ có 12 em mạnh dạn đăng ký thi lấy điểm xét tốt nghiệp và cao đẳng, đại học, còn lại là chọn thi lấy điểm xét tốt nghiệp. Điều này cho thấy các em đã xác định được năng lực học của bản thân. Đây là cơ sở để trường tiếp tục bồi dưỡng kiến thức cho các em. Bên cạnh đổi mới phương thức dạy, cho bài kiểm tra phù hợp với đề thi minh họa, trường đã tăng tiết dạy các môn Toán, tiếng Anh, bởi hai môn này đa số các em đều yếu. Trường cũng đã phát động phong trào học nhóm, phân công học sinh khá giỏi giúp đỡ học sinh yếu.

Với Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) cũng có 100% học sinh khối 12 đăng ký thi lấy điểm xét tốt nghiệp. Đa số các em đăng ký thi tổ hợp xã hội. Hiệu trưởng Bùi Thế Giới phân tích: Khả năng tính toán của các em khá chậm, nhưng với hình thức thi trắc nghiệm môn Toán với số lượng câu nhiều, kiến thức liên kết, buộc các em phải nắm vững kiến thức, tính toán nhanh mới làm bài đạt kết quả. Điều này với học sinh vùng cao thì khả năng thực hiện không cao. Trường sẽ tổ chức kỳ thi thử vào ngày 25 - 26.4 đến giống như kỳ thi THPT quốc gia. Qua đó sẽ rút kinh nghiệm phụ đạo cho các em trong thời gian còn lại.  

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.