Cặp lồng đến trường cùng trẻ em vùng cao

09:03, 04/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Chiếc cặp lồng lâu nay đã trở thành vật dụng quen thuộc đồng hành cùng các học sinh mầm non ở các điểm trường lẻ trên địa bàn huyện Ba Tơ. Đó là phần ăn trưa được phụ huynh chuẩn bị cho con em có một bữa ăn đầy đủ cùng các bạn ngay tại trường.
Có mặt tại điểm trường lẻ thôn Nước Lui, Trường mầm non xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ vào đúng giờ cơm trưa, chúng tôi thực sự khá bất ngờ. Các cô giáo vừa ra hiệu lệnh đã đến giờ ăn, nhiều em nhỏ liền thò tay vào hộc bàn để lấy những chiếc cặp lồng cơm quen thuộc. Tuổi còn bé, nhưng các em đã thể hiện sự nghiêm túc của mình khi ngồi ngay ngắn, tự ăn những phần cơm đã được chuẩn bị sẵn từ nhà.
 
Bé Phạm Văn Hứa (4 tuổi) hôm nay được mẹ chuẩn bị một ít trứng và rau cho bữa cơm trưa, phấn khởi khoe: “Con thích ăn trứng nhất, mẹ nấu cho con đó!”. Bữa cơm miền núi tuy có phần đơn giản với rau, mắm... nhưng các em đều ăn rất ngon lành.

 

Giờ cơm trưa của các em mầm non với cặp lồng mang thức ăn đến trường
Giờ cơm trưa của các em mầm non với cặp lồng mang thức ăn đến trường.
 
Do điều kiện địa hình xa xôi cách trở nên việc thực hiện bán trú trên địa bàn huyện miền núi Ba Tơ còn nhiều khó khăn. Nhiều điểm trường không có điều kiện nấu ăn nên hình ảnh các em học sinh mầm non đến trường cùng cặp lồng cơm trên tay không còn là chuyện hiếm gặp. Để ở lại trường học buổi chiều, các em phải mang thức ăn đến trường ăn trưa cùng các bạn.
 
Sáng nào chị Phạm Thị Bé cũng phải dậy sớm, chuẩn bị thức ăn để đưa con đến trường trước khi ra đồng. Để đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho con, ngoài cá mua ngoài chợ, chị còn tranh thủ ra vườn hái thêm rau xanh để con có bữa ăn trưa tươm tất ở trường.
 
Chị Bé chia sẻ: “Các cô ở trường mầm non hướng dẫn bổ sung dinh dưỡng cho con bằng mua thịt, mua cá, nấu rau. Rồi kiếm thêm cua, ốc bổ sung dinh dưỡng cho con. Nhà mình còn nghèo nhưng ráng lo cho con có bữa ăn đầy đủ”.
 
Mô hình bán trú chỉ được triển khai ở các điểm trường chính vì có đủ điều kiện nấu ăn. Tuy nhiên, với những điểm lẻ xa xôi, sự hỗ trợ bữa ăn từ phụ huynh là điều vô cùng cần thiết. Do đó, những cặp lồng thức ăn đã đồng hành cùng các em nhỏ đến trường.
 
Bà Lê Minh Hiền- Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Vinh, huyện Ba Tơ cho biết: Để đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, trường triển khai bán trú, ở trung tâm thì có cô cấp dưỡng. Còn ở các điểm trường lẻ thì khó hơn nên trường khắc phục bằng cách hướng dẫn cho phụ huynh nuôi con theo khoa học, đảm bảo dinh dưỡng. Riêng cơm thì phụ huynh hỗ trợ mang gạo đến trường để các cô giáo nấu cho các con ăn.
 
Không chỉ các điểm trường lẻ của Trường Mầm non Ba Vinh, mà hơn 60 điểm trường lẻ trên địa bàn huyện Ba Tơ đang thực hiện mô hình nửa bán trú, có sự hỗ trợ từ phụ huynh. Đây là cách tốt nhất để giúp việc phổ cập mầm non được triển khai thuận lợi, không có tình trạng học sinh bỏ lớp ra về khi đến giờ cơm trưa.

 

Mỗi ngày, phụ huynh dẫn con em tới trường với chiếc cặp lồng cơm trưa quen thuộc
Mỗi ngày, phụ huynh dẫn con em tới trường với chiếc cặp lồng cơm trưa quen thuộc
 
Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Thu chia sẻ: Trước đây khi chưa thực hiện mô hình nửa bán trú, thì cứ đến trưa học sinh được phụ huynh đón về. Nhưng do nhà xa trường nên thông thường buổi chiều lớp học rất vắng vẻ. Vì các em ở nhà luôn, không đến học nữa. Từ ngày triển khai mô hình này, thì các em ăn cơm và ngủ trưa ở trường. Sỉ số lớp luôn được đảm bảo.
 
Hiện tại trên địa bàn huyện miền núi Ba Tơ có 82 điểm trường mầm non ở 20 xã, thị trấn. 20 điểm trường chính đủ các cơ sở vật chất, tổ chức học bán trú, đảm bảo bữa ăn cho các cháu ở lại trưa. Còn những điểm lẻ thì mô hình nửa bán trú đang được triển khai khá hiệu quả.
 
Ông Huỳnh Giang Nam- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ cho biết: Ở những điểm trường lẻ những nơi nào có giao thông thuận lợi vận động phụ huynh đưa con em mình đến điểm trường trung tâm để đảm bảo nuôi dạy ăn bữa trưa. Với những điểm trường khó khăn thì chúng tôi vẫn duy trì phụ huynh mang cơm cho con để đến trường nhằm đảm bảo phổ cập giáo dục.
 
Với điều kiện còn nghèo khó ở các địa phương miền núi, việc thực hiện mô hình nửa bán trú với bữa ăn chất lượng một cách đồng bộ là điều khá khó khăn. Bởi với nhiều gia đình, để có một bữa ăn đầy đủ cho con em đến trường vẫn là một gánh nặng khi kinh tế còn quá thấp.
 
Tuy nhiên, để đảm bảo nâng cao chất lượng bậc học mầm non, giữ chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi thì vẫn phải duy trì mô hình nửa bán trú tại các điểm trường thôn như hiện nay.
 
 
Bài, ảnh: Phương Chi
 

.