Không được áp dụng hoàn toàn trắc nghiệm khách quan với bài kiểm tra học kỳ

02:12, 06/12/2016
.

Không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ - đây là nội dung trong văn bản của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc kiểm tra và sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Nghiêm cấm ép học sinh mua sách tham khảo

Về kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra học kỳ, Bộ GD&DTD yêu cầu Các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường trung học thực hiện nghiêm túc hướng dẫn tại Công văn số 4325/BGDĐT-GDTrH ngày 1/9/2016 về dạy học và kiểm tra, đánh giá;

Tuân thủ việc xây dựng ma trận đề kiểm tra một tiết và kiểm tra cuối học kỳ, đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao (không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ).

Bộ đã và đang tập huấn cho các Sở GD&ĐT về hướng dẫn việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phù hợp theo quy trình ra đề chuẩn hóa.

Các Sở GD&ĐT cần tổ chức tập huấn nghiêm túc cho các cơ sở giáo dục và giáo viên thực hiện việc ra đề kiểm tra, đánh giá theo quy trình ra đề chuẩn hóa đúng hướng dẫn của Bộ.

Nghiêm cấm giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua sách hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, luyện thi hoặc ép buộc học sinh học thêm, luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào.

Lưu ý sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017

Về sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT yêu cầu cần tập trung sơ kết, đánh giá tình hình triển khai, những giải pháp thực hiện và kết quả đã đạt được đối với các nhiệm vụ sau:

Chỉ đạo và thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục nhà trường nghiêm túc, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương, cơ sở giáo dục; kết quả thực hiện tinh giản chương trình thông qua xây dựng và thực hiện các bài học tích hợp (nội môn, liên môn); kết quả lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học/hoạt động giáo dục.

Chỉ đạo và tổ chức sử dụng thường xuyên, hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực và kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Tăng cường mối liên hệ giữa gia đình và cộng đồng trong giáo dục học sinh.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, vệ sinh, có tính tham gia và dân chủ: đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn; sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; công tác bồi dưỡng các nội dung chuyên môn, nâng cao tay nghề cho giáo viên.

Tăng cường điều kiện đảm bảo và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên sử dụng thường xuyên và hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học; tình hình tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trên trang mạng "trường học kết nối". Biện pháp khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; khắc phục tình trạng bạo lực học đường và các hiện tượng tiêu cực khác.

Tăng cường điều kiện đảm bảo để mở rộng và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng.

Đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông thiết thực, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Với mỗi nội dung cần có minh chứng và số liệu cụ thể; nêu những kết quả nổi bật, những tập thể và cá nhân điển hình; những việc chưa làm được, khó khăn, hạn chế, vướng mắc; nguyên nhân chủ quan và khách quan; các giải pháp sẽ thực hiện trong học kỳ II; các đề xuất, kiến nghị với các cấp quản lý.
 

Theo Lập Phương/GD&TĐ


 


.