Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22: Cần tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền

09:12, 13/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 1 tháng qua, Thông tư 22 chính thức áp dụng thay thế Thông tư 30 về nhận xét, đánh giá học sinh bậc tiểu học. Cách làm này tuy có giảm tải cho giáo viên, nhưng cả giáo viên và phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn...

TIN LIÊN QUAN

Điểm nổi bật của Thông tư 22 là giảm sổ sách, tăng cường nhận xét đánh giá bằng lời, có thêm các bài kiểm tra lấy điểm. Học sinh được đánh giá định kỳ vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học. Trên cơ sở đó, giáo viên đánh giá học sinh theo các mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Riêng lớp 4 và lớp 5 có bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh... Bài kiểm tra định kỳ chỉ có giáo viên, học sinh và gia đình biết, không công bố rộng rãi ra toàn lớp, không dùng để so sánh năng lực của học sinh này với học sinh khác...

Thực hiện Thông tư 22, nhiều giáo viên tiểu học có thời gian theo dõi học sinh sát hơn.
Thực hiện Thông tư 22, nhiều giáo viên tiểu học có thời gian theo dõi học sinh sát hơn.


Tuy nhiên, việc thay đổi khi bước vào gần nửa thời gian của học kỳ I, nên trong năm học  2016 – 2017 ngành giáo dục không kiểm tra định kỳ giữa học kỳ I.

Giảm tải cho giáo viên

Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) Lê Thị Minh Hạnh cho biết: “Thông tư 22 ra đời đã giúp giáo viên không mất quá nhiều thời gian cho việc theo dõi nhận xét học sinh hằng ngày để tổng hợp theo tháng. Trước đây, thực hiện Thông tư 30, giáo viên phải có 5 loại sổ sách, nhưng đa số giáo viên phàn nàn là sổ theo dõi chất lượng học sinh, khiến giáo viên không có thời gian tìm tòi tư liệu để nâng cao chuyên môn.

Theo Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục; không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Cô Uyên- giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Chánh, chia sẻ thêm, tuy hạn chế nhận xét, nhưng tăng cường theo dõi từng em để kịp thời động viên, nhắc nhở bằng lời đối với những em chưa hoàn thành, hoặc có thể ghi vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết...

Vẫn còn nhiều băn khoăn

So với Thông tư 30 thì Thông tư 22 không có nhiều thay đổi, vẫn giữ nguyên quan điểm đánh giá học sinh không qua chấm điểm thường xuyên. Điểm nổi bật trong thông tư mới là tăng mức đánh giá, sửa đổi về khen thưởng và giảm gánh nặng cho giáo viên trong việc ghi nhận xét vào sổ. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hòa, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) Bùi Thiện Quang cho biết: Thông tư mới đến tháng 11 mới có hiệu lực, nên đến giờ vẫn đang chờ hướng dẫn của Bộ, của Sở GD&ĐT triển khai. Nhiều giáo viên cho rằng, theo thông tư mới, giáo viên chỉ dùng lời nói, ký hiệu chỉ ra cho mỗi học sinh biết chỗ đúng, chỗ sai để sửa chữa là chưa hợp lý. Mặt khác, thông tư này quay lại việc đánh giá bằng điểm giữa học kỳ sẽ gây áp lực cho học sinh.

Thầy Quang còn cho biết thêm, việc đánh giá học sinh ở 3 mức hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, có rõ ràng hơn Thông tư 30, nhưng vẫn mang hình thức định tính. Việc khen thưởng cũng không mấy khích lệ học sinh, bởi khen thưởng từng mặt mạnh của các em. Trong khi đó lứa tuổi tiểu học, các em chưa ý thức được em nào là giỏi xuất sắc cần noi gương và mình yếu mặt nào để khắc phục. Các em chỉ biết mình được khen thưởng là quên ngay những điểm yếu...

Nhiều giáo viên ở các huyện miền núi, chưa áp dụng nhuần nhuyễn Thông tư 30, giờ lại thực hiện Thông tư 22. Cô Ngô Thị Nghiệm – giáo viên Trường Tiểu học Ba Dinh (Ba Tơ), cho biết: Việc tương tác giữa phụ huynh và nhà trường còn bỏ ngỏ. Nhiều phụ huynh không biết chữ, việc đánh giá năng lực học sinh đều phụ thuộc vào nhà trường. Còn phụ huynh đồng bằng cũng không biết con mình học ở mức nào. Giáo viên ít có điều kiện để trao đổi với phụ huynh, chỉ liên lạc qua sổ, nhắn tin, điện thoại khi cần thiết...

Vì vậy, ngành giáo dục cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng cách thức để giáo viên có thể áp dụng vào thực tiễn nhận xét, đánh giá học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng cần có những cuộc họp trao đổi với phụ huynh học sinh về những điểm mới trong Thông tư 22 để cùng nhau chăm lo sự nghiệp giáo dục.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.