Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi:
Nỗ lực tạo thương hiệu

02:11, 07/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 3 năm gián đoạn trong công tác tuyển sinh, năm học 2016 - 2017, Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh - Phân hiệu tại Quảng Ngãi đã được tuyển sinh trở lại. Hiện nhà trường đang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo thương hiệu riêng.


Đến nay, trường đã hoàn thành việc tuyển sinh và khai giảng năm học mới. Dù ba năm qua trường không tuyển sinh đầu vào, nhưng sinh viên (SV) các khóa trước vẫn được trường duy trì, đảm bảo việc giảng dạy đúng khung chương trình. Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, trường đã áp dụng chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực, quốc tế; chú trọng việc thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho SV trong suốt quá trình học. Cùng với đó, trường tập trung đầu tư CSVC, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.

Sinh viên Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi nhận bằng tại lễ tốt nghiệp.
Sinh viên Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi nhận bằng tại lễ tốt nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, doanh nghiệp, nhà trường tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên tiếp tục được đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn. Đến nay, trường có 108 CBVC, trong đó có 75 giảng viên trực tiếp đứng lớp. Tất cả giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có 9 tiến sĩ và 6 nghiên cứu sinh.
 

Sáng 7.11, trường tổ chức lễ bế giảng, trao bằng tốt nghiệp cho trên 400 sinh viên, trong đó có 179 SV ĐH khóa 8, Cao đẳng nghề khóa 7 và trên 230 SV các khóa.

Thạc sĩ Ngô Thị Hồng Đào - Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi, cho biết: Hiện trường có mạng lưới kết nối doanh nghiệp rất tốt. Hàng tháng trường cập nhật thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Những em có nhu cầu đi làm và thực tập thì cập nhật trên trang điện tử riêng của trường.

Tại lễ bế giảng, nhà trường bố trí phòng để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tham gia phỏng vấn trực tiếp sinh viên. Tuy nhiên, rất ít cử nhân, kỹ sư sau khi ra trường ở lại Quảng Ngãi để làm việc, do  mức lương của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp so với các tỉnh, thành khác. Hơn nữa, tâm lý các em mới ra trường thường muốn được trải nghiệm công việc ở các thành phố lớn, nên thường vào TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương... để tìm việc.

Năm học 2016 - 2017, trường bắt đầu tuyển sinh trở lại, nên cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đây cũng là khó khăn chung của các trường đại học địa phương khi thực hiện phương án thi THPT quốc gia cùng với những đổi mới trong công tác tuyển sinh. Năm nay, trường tuyển sinh và đào tạo 7 ngành, gồm: Cơ khí, Điện, Công nghệ thông tin, Công nghệ Hóa, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng. Đây là năm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt, đây cũng là năm thứ 2 trường thực hiện quyết định đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, giai đoạn 2015 - 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Trong đó, nhà trường chú trọng đào tạo những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu.


 Bài, ảnh: TR. PHƯƠNG
 


.