Tự hào về một ngôi trường

05:10, 15/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình. UBND tỉnh Nghĩa Bình ra quyết định thành lập Trường Bổ túc Văn hóa Thanh niên (BTVHTN) số 2 Nghĩa Bình đặt tại thị xã Quảng Ngãi.

Trường tồn tại từ tháng 3.1976 đến tháng 6.1986 sáp nhập với Trường BTVH TN số 1 tại An Nhơn (Bình Định). Đầu năm 1991, sau khi tái lập tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh có Quyết định thành lập Trung tâm GDTX-HN&DN tỉnh đặt tại vị trí cũ của trường ở số 114 Lê Trung Đình, thị xã Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi).

Trường BTVHTN số 2 Nghĩa Bình là một ngôi trường đã để lại dấu ấn không bao giờ quên trong lòng mỗi giáo viên, cán bộ, học viên. Trường được thành lập trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh, chia cắt, nay được hoà bình thống nhất. Niềm vui chưa thoả thì biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc lại vang lên tiếng súng chống quân xâm lược; nền kinh tế “tem phiếu” thời bao cấp thiếu thốn từ cân gạo, mớ rau, lạng thịt...

 

 Đại diện cựu học sinh tặng hoa thầy cô giáo nhân kỷ niệm 30 năm thành lập trường.
Đại diện cựu học sinh tặng hoa thầy cô giáo nhân kỷ niệm 30 năm thành lập trường.


Nhưng, những khó khăn đó không làm sờn lòng những con người đã trải qua thử thách của lửa đạn chiến tranh. Nơi đây hội tụ một đội ngũ giáo viên dày dặn kinh nghiệm, có những thầy giáo đã kinh qua cuộc chiến đấu chống Mỹ như thầy Lê Mạnh Hiệp, Trần Ngọc Ngân,  Lâm Chuyển, Nguyễn Qúy Bảo, cô Nguyễn Thị Thu Uyển...; những giáo viên từ miền Bắc tập kết về như thầy Nguyễn Ngọc Sạn, Thái Đình Kỳ, Trần Duyệt, Nguyễn  Đào, cô Đinh Thị Húa...;  các thầy, cô giáo từ miền Bắc chi viện cho miền Nam như thầy Phạm Bá Trào, Trịnh Trọng Liễu, Lê Văn Thái, Nguyễn Minh Huệ, cô Lê Thị Bảy, Nguyễn Thị Viên...; và những sinh viên đại học sư phạm mới ra trường như thầy Hoàng Đình Cường, Nguyễn Hà, cô Phan Thị Hằng, Quách Thị Lê...

Có những thầy, cô giáo chỉ giảng dạy ở trường một thời gian ngắn, nhưng có thầy cô gắn bó suốt 10 năm. Nhưng dù từ đâu đến, thời gian công tác ở trường bao lâu, tất cả đều thể hiện tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm đối với nhà trường, đối với học viên.

Ngày ấy, mỗi lớp học có một chi bộ Đảng, một chi đoàn thanh niên, trường có Đảng bộ, Đoàn Thanh niên lãnh đạo công tác học tập và các hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và Ban giám hiệu, cán bộ, học viên tích cực tham gia các hoạt động của địa phương như tham gia cải tạo công thương, thu đổi tiền, lao động sản xuất ở Nông trường mía 24/3 Nghĩa Hành, trồng cây gây rừng ở các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), Di Lăng (Sơn Hà); đào kênh mương thuỷ lợi Thạch Nham; tham gia các chiến dịch “Ánh sáng văn hoá”, xoá mù chữ cho đồng bào miền Tây Quảng Ngãi...

Trường còn là nơi xây nền tảng tri thức cơ bản cho những thanh niên, cán bộ trẻ đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...  giúp họ tự tin bước lên những nấc thang mới trong cuộc đời. Có người sau khi học trở về địa phương công tác và từ đó tiếp tục học lên. Có những người vào quân đội tình nguyện sang giúp nhân dân Caumpuchia chống bọn diệt chủng Pôn Pốt. Có những người tình nguyện lên Tây Nguyên công tác...

Trong thời gian mười năm hoạt động, trường đã đào tạo hơn một ngàn học viên có trình độ trung học phổ thông. Lớp lớp học viên đã trưởng thành từ mái trường này. Nhiều học viên đảm nhận các chức vụ lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện; lãnh đạo các ban Đảng, đoàn thể, các sở, ban ngành... Có người hiện nay là phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ... có người trở thành doanh nhân thành đạt tại TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Bình Định...

Giờ đây, đại bộ phận thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên, học viên của trường đã nghỉ hưu, về với đời thường. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng vẫn tiếp tục tham gia hoạt động xã hội ở địa phương, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Kỷ niệm 40 năm thành lập trường, chúng ta rất đỗi tự hào về một ngôi trường mà ở đó vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt đã có một lớp người được đào tạo tương đối bài bản, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


LÂM CHUYỂN
Nguyên Hiệu trưởng nhà trường


 


.