Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân

03:09, 19/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn nước ta đang ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân trong tỉnh là yêu cầu cấp thiết. Qua đó, cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, bổ ích cho đội ngũ doanh nhân lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho các DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

TIN LIÊN QUAN

Trong giai đoạn 2013 - 2015, thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi, Sở KH&ĐT đã tổ chức thành công 15 lớp cho 1.000 lượt học viên tham dự, trong đó có 7 lớp khởi sự doanh nghiệp và 8 lớp quản trị doanh nghiệp. Ngoài ra, đã phối hợp với Báo Diễn đàn doanh nghiệp – VCCI tổ chức 3 lớp khởi sự doanh nghiệp cho các sinh viên năm cuối của các trường đại học trong tỉnh. Bên cạnh cung cấp thông tin cần thiết, cũng như kiến thức, kỹ năng để lãnh đạo, quản lý DN, các học viên đã được tiếp nhận những kiến thức về cách xây dựng và hoạch định chiến lược, quản trị nhân sự, quản trị tài chính DN. Đồng thời đây còn là môi trường để cộng đồng DN có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và trao đổi những kinh nghiệm cũng như tạo sự kết nối thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, DN cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thích ứng với điều kiện hội nhập. Trong ảnh: Công nhân ở KCN Tịnh Phong trong ca sản xuất.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, DN cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thích ứng với điều kiện hội nhập. Trong ảnh: Công nhân ở KCN Tịnh Phong trong ca sản xuất.


Đối với giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Kết luận số 17 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 (khóa XIX), UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng với khoảng 50 lớp học cho khoảng 2.000 học viên. Đối tượng bồi dưỡng được phân theo 4 nhóm: Thứ nhất là khởi sự DN, với thành phần là các chủ hộ kinh doanh cá thể, kinh doanh trong các làng nghề, trang trại, thanh niên lập nghiệp, cá nhân có nhu cầu chuẩn bị khởi nghiệp kinh doanh và DN mới đăng ký thành lập.

Nhóm thứ hai là quản trị DN, gồm lãnh đạo DN, cán bộ quản lý trực tiếp của DN. Thứ ba là đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu riêng cho các đối tượng: Chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc điều hành của các tập đoàn, DN và những người có hoài vọng trở thành giám đốc điều hành DN trong tương lai. Và thứ tư là bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới, nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo các DN nhỏ và vừa của tỉnh.

Bà Trần Thị Mỹ Ái – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt, hằng năm, ngay từ đầu năm Sở KH&ĐT tiến hành gửi phiếu khảo sát nhu cầu đến gần 4.000 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, từ đó tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng trong năm. Trong đó, tại Sở KH&ĐT thường tổ chức các lớp về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; phối hợp với Đoàn thanh niên mở các lớp ươm mầm DN cho các đoàn viên ở các huyện; phối hợp với hội DN mở các lớp chuyên sâu, các lớp bổ sung kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho các hội viên.

Các lớp học được mở với phương châm là chất lượng, hiệu quả, phù hợp yêu cầu, mỗi lớp diễn ra từ 3 - 5 ngày. Qua đó cung cấp cho các doanh nghiệp những kiến thức cơ bản về tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, quản trị tài chính, nhân sự và kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp... Giảng viên thường được mời những người có kinh nghiệm thực tiễn, nhất là các cán bộ, giảng viên có uy tín đang công tác ở Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ngoài chương trình chính của khóa học, Sở KH&ĐT còn kết hợp phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho DN. Đồng thời lồng ghép phổ biến các chính sách mới của tỉnh hỗ trợ DN để các học viên cũng như DN trên địa bàn tỉnh tìm hiểu và tiếp cận.

Bên cạnh nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nhân, về phía các DN cũng cần chủ động và năng động hơn trong việc tiếp cận, cập nhật các kiến thức mới trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là những kiến thức về các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước, như Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)...

Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.