Hàng trăm học sinh vẫn học ở trường tạm

02:08, 11/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù từ năm 2012 đến nay đã có gần 2.000 phòng học các cấp được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh an tâm bám lớp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi học sinh phải học ở những ngôi trường tạm bợ, xuống cấp.

TIN LIÊN QUAN

Trường lớp tạm bợ

Chúng tôi vượt lòng hồ thủy điện Đăkđrinh về điểm Trường Tiểu học Nước Đốp, xã Sơn Long (Sơn Tây). Sau một hồi lòng vòng leo dốc, rồi băng qua các khu dân cư, chúng tôi mới đến được điểm trường này. Từ bên ngoài nhìn vào, không ai có thể nghĩ đó là trường học. Căn nhà sàn rộng chừng 15m2 xập xệ nằm lọt thỏm dưới tán rừng.

Nhiều điểm trường ở các huyện miền núi cô và trò vẫn phải dạy và học trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Nhiều điểm trường ở các huyện miền núi cô và trò vẫn phải dạy và học trong điều kiện còn nhiều khó khăn.


Ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây  cho biết, hình ảnh này là tình cảnh chung ở huyện Sơn Tây từ nhiều năm qua, mặc dù UBND huyện và ngành giáo dục đã rất nỗ lực xóa bỏ trường lớp tạm bợ. Nhưng do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nên hầu như xã nào cũng có điểm trường học sinh phải học ở nhà dân, trường tạm. “Trong giai đoạn 2012 đến nay, ngành giáo dục đã đầu tư xây dựng mới 23 phòng học mầm non và nhiều cơ sở vật chất khác. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn còn hơn 200 học sinh và thầy cô giáo phải học tạm ở nhà dân hoặc trường lớp tạm bợ. Trong yêu cầu về phương pháp dạy học mới nếu không đủ điều kiện về phòng học khi triển khai học nhóm hoặc trang trí lớp... sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”, ông Thạnh nói.

Còn tại huyện Tây Trà, ông Phạm Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết, trong năm học 2015 - 2016 toàn huyện có 19 phòng học tạm bợ. “Hiện chúng tôi đang đầu tư 11 phòng học và cố gắng đưa vào sử dụng vào đầu năm học mới này. Riêng 8 phòng học tạm bợ còn lại vẫn chưa có kinh phí để đầu tư, nên học sinh vẫn phải học trong điều kiện thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”, ông Sơn chia sẻ.

Không chỉ hai địa phương trên, mà trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nơi học sinh hai bậc học mầm non và tiểu học phải học trong những ngôi trường xập xệ, xuống cấp, nhất là các huyện miền núi. Việc phải học trong những ngôi trường như vậy, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Đồng thời, gây ra nhiều khó khăn cho mục tiêu đạt chuẩn quốc gia mà các trường đang hướng đến.

Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục

Theo thống kê của UBND tỉnh, từ năm 2012 đến nay toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 1.976 phòng học các cấp, 316 phòng công vụ cho giáo viên, 14 phòng bộ môn, 24 phòng ở bán trú cho học sinh, 11 nhà hiệu bộ, 12 nhà thi đấu đa năng, 3 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 hội trường và 56 nhà vệ sinh...

Tính đến cuối tháng 6.2015, toàn tỉnh có 309/632 trường ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia. Trong đó có 51/208 trường mầm non, 141/217 trường tiểu học, 99/168 trường THCS và 18/39 trường THPT. Đồng thời, 100% xã, phường, thị trấn có trường, lớp mầm non và trường tiểu học đảm bảo cho công tác dạy và học diễn ra hiệu quả.

Mặc dù những kết quả trên là rất đáng mừng, khi công tác chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đã có chuyển biển tích cực. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều địa phương nhất là các huyện miền núi học sinh vẫn phải học trong nhà tạm, nhà mượn của dân.

Với các huyện miền núi, hơn 90% dân số là hộ nghèo, đời sống khó khăn, trình độ dân trí còn thấp. Do đó, để người dân thoát nghèo, ngoài đầu tư về tài chính, hỗ trợ cây giống, con giống thì đầu tư vào giáo dục là một trong những quyết sách hàng đầu. Có như vậy mới tạo cơ sở vững chắc trong tiến trình đưa tỉnh ta cơ bản sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ông Nguyễn Trà - Quyền Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho rằng, tình trạng học sinh phải học trong nhà tạm, nhà mượn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, bởi ngành đang triển khai dạy theo phương pháp trường học mới mà học trong điều kiện như thế sẽ khó tổ chức được, nhất là đối với hai bậc học mầm non và tiểu học. Trong thời gian tới, Sở sẽ đốc thúc các địa phương phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng các điểm trường khang trang hơn.

Bài, ảnh: NGỌC QUANG
 


.