(Báo Quảng Ngãi)- Còn một tháng nữa là kỳ thi THPT quốc gia 2016 chính thức diễn ra. Đây là thời điểm các em tập trung cao độ cho việc ôn tập. Tuy nhiên, để đạt kết quả cao trong kỳ thi, đòi hỏi các em phải có những kỹ năng cần thiết khi làm bài.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đọc kỹ đề trước khi làm bài
Cô Nguyễn Thị Linh - Nguyên tổ trưởng tổ Sử- Địa - Công dân, Trường THPT chuyên Lê Khiết lưu ý, đề thi cơ bản giống như đề minh họa của năm trước, nhưng Bộ GD&ĐT sẽ tăng các câu hỏi vận dụng để phân loại năng lực thí sinh. Địa lý là môn đòi hỏi năng lực tư duy, tổng hợp, phân tích nên các em phải hiểu rõ vấn đề. Các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, câu hỏi ở mỗi bài; sử dụng tốt Atlat Địa lý Việt Nam với những vấn đề tương ứng. Cập nhật tin tức thời sự trong nước và thế giới để vận dụng trả lời những câu hỏi mở. Khi vào phòng thi, các em nhớ mang theo Atlat Địa lý Việt Nam, máy tính, thước kẻ, thước đo độ, compa.
Các thí sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2016. |
Đọc kỹ câu hỏi để nhận dạng đề thi, vì đây là bước quan trọng nhất quyết định kết quả bài thi. Sau đó phác thảo đề cương, ghi ra những từ “chìa khóa”, tư duy những nội dung cần trình bày. Khi trình bày cần đánh số thứ tự 1, 2, 3; các đề mục a, b, c... để người chấm dễ theo dõi. Số liệu minh họa cho bài làm nên lấy từ sách giáo khoa, hoặc các nguồn khác nhưng phải bị chú nguồn gốc, thời điểm của số liệu; diễn đạt rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu.
Vẽ biểu đồ là phần thi dễ có điểm nếu các thí sinh chịu khó rèn luyện. Các dạng biểu đồ đều được thể hiện trong Atlat. Nếu câu hỏi yêu cầu nhận xét thì dựa vào biểu đồ đã vẽ hoặc bảng số liệu để đưa ra nhận xét cụ thể. Phân biệt các kiểu nhận xét về quy mô, cơ cấu (chuyển dịch cơ cấu), về tình hình phát triển, tốc độ tăng trưởng...
Thể hiện rõ quan điểm cá nhân trong câu hỏi mở
Môn Lịch sử, dựa vào cấu trúc và ma trận của đề thi năm trước, các thí sinh cần nắm vững kiến thức lịch sử và phải hiểu biết về các vấn đề lịch sử, biết vận dụng kiến thức lịch sử vào giải quyết vấn đề lịch sử, thực tiễn cuộc sống. “Trong đề thi có những câu hỏi mang tính chất mở, yêu cầu thí sinh phải vừa biết vận dụng kiến thức lịch sử để giải quyết, vừa biết diễn đạt lôgic, mạch lạc, khoa học, thuyết phục, vừa thể hiện chính kiến của bản thân”, thạc sĩ Lê Văn Phương - Giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Lê Khiết, lưu ý.
Thầy giáo Lê Văn Phương cũng chia sẻ thêm, học sinh cần tập trung ôn tập chủ yếu trong chương trình lớp 12, tránh học tủ. Trong chương trình lịch sử lớp 12 có hai phần, gồm lịch sử Việt Nam (1919 - 2000) và phần lịch sử thế giới (1945 - 2000). Các thí sinh phải nắm được các nội dung lớn của từng phần. Chẳng hạn, phần lịch sử Việt Nam có các giai đoạn Vận động thành lập Đảng (1919 - 1930); đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945); kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975); xây dựng CNXH (1975- 2000)...
Sau khi xác định được những giai đoạn, chuyên đề lịch sử lớn, các em tiếp tục xác định và nắm vững những nội dung chính của từng giai đoạn hay chuyên đề lịch sử. Từ đó, các em nắm những sự kiện, nội dung lịch sử với các tiêu chí như thời gian nào, ai, cái gì, ở đâu, nội dung gì?
Trong quá trình học, các em cần phải biết tự đặt câu hỏi tại sao, vì sao có sự kiện lịch sử này, tại sao lại diễn ra như vậy hay sự kiện lịch sử đó có ý nghĩa lịch sử như thế nào, có vai trò gì với phong trào cách mạng... Các thí sinh cần phải biết khái quát chương trình lịch sử và biết đặt các sự kiện lịch sử trong mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, liên hệ giữa sự kiện giai đoạn lịch sử này với giai đoạn lịch sử khác, sự liên hệ giữa sự kiện lịch sử trong quá khứ đối với cuộc sống hiện nay như vấn đề chủ quyền biển đảo, vấn đề độc lập dân tộc, vấn đề ô nhiễm môi trường...
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG